Theo đó, Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2020. Hệ thống di tích gồm 4 di tích đã được xếp hạng quốc gia trước đây là: Nhà lưu niệm Bác Hồ ở đường Mai Thúc Loan; Địa điểm Trường Quốc Học Huế; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ và Đình làng Dương Nỗ.

Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 10 năm gắn bó với Huế, từ năm 1895-1901 và 1906-1909. Đó là những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng người thân từng sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước. Những năm tháng ấy là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành nhân cách Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, để rồi sau này làm nên chân dung một con người vĩ đại với ý chí, nghị lực, quyết tâm và khát vọng ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.

Khoảng thời gian 10 năm Người và gia đình sống ở Huế đã để lại một hệ thống di tích vô cùng quý giá. Cùng với đó, Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt là cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích giáo dục tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc.

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ là nơi thuở thiếu thời Chủ tịch cùng anh trai Nguyễn Sinh Khiêm theo cha vào Huế sinh sống trong 2 năm (1898-1900). Ngôi nhà đó chính là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc dạy học và dưới sự chỉ dạy của cha, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã trở thành người học trò thông minh xuất sắc. Ngoài ra, tại làng Dương Nỗ còn có nhiều địa điểm, di tích gắn với kỉ niệm về Người, trong đó có đình làng Dương Nỗ.

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở đường Mai Thúc Loan cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống cùng gia đình khi vào Huế lần thứ nhất. Trường Quốc học Huế là nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã học tập từ năm 1908-1909.

Phát biểu tại lễ đón nhận Bằng Xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên-Huế, ông Lê Trường Lưu, Bí thư tỉnh ủy khẳng định, đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tiếp tiếp tục rà soát, nghiên cứu thực hiện các thủ tục lập quy hoạch tổng thể đối với 4 di tích thuộc Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời triển khai Đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên-Huế phục vụ phát triển du lịch”; sưu tầm, số hóa di tích và di vật; kiểm kê các lại hình di sản văn hóa phi vật thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên-Huế; xây dựng kế hoạch để nâng cấp các hồ sơ khoa học đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh và rà soát các địa điểm, công trình gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện còn chưa được xếp hạng di tích để lập hồ sơ khoa học đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xếp hạng di tích. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển văn hóa, du lịch và thực hiện mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sau khi kết thúc Lễ Công bố Quyết định và đón nhận Bằng Xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên-Huế, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa cùng các đại biểu đã tham quan triển lãm “Về nơi lưu dấu tuổi thơ Người” do Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên-Huế chủ trì tổ chức.