Trong suốt 95 năm hình thành và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đưa đất nước cập những bến bờ vinh quang, tạo vị thế vững chắc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ở mỗi một giai đoạn lịch sử cách mạng, vấn đề xây dựng văn hóa trong Đảng được soi chiếu ở những khía cạnh khác nhau nhưng vẫn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình xây dựng Đảng. Đặc biệt, nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng, vấn đề xây dựng văn hóa trong Đảng thêm một lần nữa được coi là một nội dung hết sức quan trọng để tiếp tục xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Tại cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và NXB Chính trị quốc gia Sự thật đồng tổ chức vừa qua, các đại biểu đã nhận định rằng, có lẽ chưa bao giờ xu thế hội nhập lại diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Hội nhập tạo ra cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố thách thức lớn cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Văn hóa trong Đảng cũng không phải là ngoại lệ.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, được hình thành và vun đắp trong lịch sử 95 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, văn hóa trong Đảng luôn là một bộ phận quan trọng, kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất, là yếu tố để củng cố sự đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh nội sinh của Đảng. Vì vậy văn hóa trong Đảng luôn cần được quan tâm chú trọng. “Xây dựng văn hóa trong Đảng có vai trò hệ trọng, quyết định đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện; hình thành phong cách lãnh đạo dân chủ, khoa học, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển mới trong điều kiện Đảng ta là đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền; đồng thời, giúp cán bộ, đảng viên rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng; ngăn chặn hiệu quả những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Bên cạnh đó, văn hóa trong Đảng còn là sợi dây bền chặt gắn kết Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng”.

Còn theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, không chỉ giới hạn trong nội bộ Đảng, văn hóa trong Đảng với vai trò là hồn cốt, sự kết tinh sâu sắc của văn hóa chính trị Việt Nam còn có vai trò định hướng xã hội, lan tỏa mạnh mẽ những giá trị, chuẩn mực đạo đức tốt đẹp từ trong Đảng ra toàn hệ thống chính trị và xã hội. Thời gian qua nhiều đảng viên, cán bộ các cấp bị kỷ luật ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị xã hội, vì vậy hơn lúc nào hết, chúng ta cần có những hành động để thực hiện văn hóa trong Đảng.

“Thách thức lớn nhất của Đảng cầm quyền là năng lực, trình độ, phẩm chất để lãnh đạo đất nước và xã hội. Cho nên thực chất việc xây dựng văn hóa trong Đảng và vấn đề nâng cao năng lực năng lực, phẩm chất lãnh đạo và năng lực, phương thức quản lý của Đảng và của hệ thống chính trị của chúng ta, đặc biệt là của cán bộ đảng và của cán bộ trong hệ thống chính trị của chúng ta không có gì khác được” - GS.TS Đinh Xuân Dũng nhấn mạnh.

Vậy vấn đề xây dựng văn hóa trong Đảng trong giai đoạn mới cần được đặt ra trên những bình diện nào? Xây dựng văn hóa đảng viên dựa trên những tiêu chí như thế nào trong thời đại mới hội nhập và toàn cầu hóa?

Theo TS Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị- Ban Tuyên giáo Trung ương, ở giai đoạn hiện nay trong một thế giới đang thay đổi mô hình phát triển sang kinh tế tri thức, không dựa vào tài nguyên thiên nhiên, vấn đề xây dựng văn hóa trong Đảng đang có những cơ hội thuận lợi và cũng nhiều thách thức, đòi hỏi cần phải nhận diện rõ. “Theo tôi chúng ta cần kiên định với 4 yếu tố quan trọng: kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, kiên định đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước và kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng”.

Trong những năm qua, công tác xây dựng văn hóa trong Đảng đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng ta đã tạo dựng được một hệ thống giá trị tư tưởng và đạo đức rõ ràng, đóng vai trò then chốt trong việc định hướng và duy trì một môi trường chính trị trong sạch, lành mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn bộc lộ những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và hình ảnh của Đảng trong nhân dân. Vì vậy, theo các chuyên gia cần phải có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong Đảng, đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

PGS.TS Bùi Đình Phong, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta có nhiều ưu điểm nhưng cũng còn nhiều nhược điểm, nhiều hạn chế. "Vì vậy, bây giờ là phải tổng rà soát lại với một tinh thần hết sức nghiêm túc hết sức quyết liệt. Thì tôi cho câu chuyện văn hóa trong Đảng muốn làm được cũng phải theo tinh thần này”.

Ngày 9/5/2024 Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng Khoa Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, cần phải xây dựng văn hóa trong Đảng theo những quy định của Đảng mà trực tiếp là quy định 144. "Nếu chúng ta làm tốt đồng bộ tất cả những nội dung những quy định này thì đó chính là nền tảng vững chắc để chúng ta xây dựng văn hóa đảng bền vững và lâu dài”.

Đồng tình với quan điểm này, TS Đoàn Văn Báu cũng cho rằng, quy định 144-QĐ/TW có ý nghĩa rất quan trọng tác động đến việc xây dựng văn hóa trong. Để xây dựng văn hóa trong Đảng cần bắt đầu từ tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên.

“Theo quy định 144, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới bao gồm: Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời. ⁹Tôi nghĩ rằng cốt lõi của văn hóa là những giá trị đạo đức. Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới theo quy định 144 tuy ngắn gọn nhưng đã hàm chứa đầy đủ, nếu thực hiện tốt quy định này sẽ là trụ cột để xây dựng văn hóa Đảng trong giai đoạn mới. Hơn nữa, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là thực hiện sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả. Thứ 2 là phải thực hiện chuyển đổi số nhanh theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” - TS Đoàn Văn Báu nhận định.

Thực tiễn đã chứng minh rằng, văn hóa trong Đảng là cấu phần đặc biệt quan trọng, là yếu tố củng cố sự đoàn kết, thống nhất và phát huy sức mạnh nội sinh của Đảng. Trong giai đoạn phát triển mới hiện nay, xây dựng văn hóa trong Đảng lại càng trở nên quan trọng, nhưng cũng là nhiệm vụ phức tạp, khó khăn, liên quan đến nhiều chủ thể, với nhiều nội dung mới, nhiều khía cạnh khác nhau.

Việc nhận diện rõ những khía cạnh, nội dung, tiêu chí sẽ giúp chúng ta đề ra những giải pháp hữu hiệu để tiếp tục xây dựng văn hóa trong Đảng. Từ đó xây dựng tổ chức Đảng tiên phong, trong sạch, vững mạnh, là tập thể của những đảng viên văn hóa, gương mẫu, luôn luôn vì dân, vì nước.

Khi “trên dưới đồng lòng- dọc ngang thông suốt” sẽ tạo được thế và lực vững chắc để Đảng ta tiếp tục lãnh đạo, đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Xin mời nghe nội dung cuộc trò chuyện của VOV2 với TS Đoàn Văn Báu tại đây: