Sáng nay (7/6), Quốc hội dành một nửa thời gian để tiếp tục phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc. Bên cạnh các chính sách, chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thì vấn đề giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc cũng được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho biết, tại Nghị quyết 88/2019/QH14 đã xác định quan điểm là phải giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Hiện nay việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng gắn với phát triển mô hình du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc tại nhiều địa phương và được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm trải nghiệm, góp phần tạo ra thu nhập cho người dân, giúp người dân ổn định cuộc sống tại địa phương. Từ đó cho thấy, việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc là hết sức quan trọng.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc cho biết trong thời gian qua công tác giữ gìn, phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc được thực hiện như thế nào, có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình thực hiện và giải pháp trong thời gian tới?

Cũng liên quan đến vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, ngôn ngữ - tiếng nói của một dân tộc là tài sản vô giá của mỗi dân tộc, tạo nên âm giai đa sắc, đặc trưng của dân tộc. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ đồng bào các dân tộc thiểu số không dùng, không biết ngôn ngữ của dân tộc mình.

Đại biểu muốn biết quan điểm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về vấn đề này như thế nào? Bộ trưởng có biện pháp gì để làm tốt hơn việc học tập sử dụng và gìn giữ ngôn ngữ các dân tộc?

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là chủ trương lớn của Đảng.

Ủy ban Dân tộc đã thường xuyên phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch để thực hiện, tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện để làm tốt hơn trong giai đoạn tới. Đó là các vấn đề về chính sách hỗ trợ với nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số để gìn giữ nét đẹp văn hóa; chính sách hỗ trợ để xây dựng thiết chế văn hóa phù hợp với phong tục tập quán, chế độ chính sách hỗ trợ hoạt động văn hóa của đồng bào...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng thừa nhận thực tế là không ít bà con dân tộc thiểu số không biết tiếng nói, không biết chữ viết của dân tộc mình.

Chính phủ đã có Nghị định 82 quy định về việc học và nói, chữ viết trong các cơ sở giáo dục và trung tâm giáo dục thường xuyên; có dự án đào tạo cho cán bộ, học sinh tiếng nói, đọc, viết tiếng dân tộc. Bộ Giáo dục Đào tạo cũng đang triển khai đào tạo cho giáo viên để dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số trong chương trình học.

"Tuy nhiên, còn một điều không kém quan trọng khác là tuyên truyền, vận động để đồng bào tự hào, giữ gìn tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hoá của mình. Từ đó, chính bà con sẽ xây dựng ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên hàng lang Quốc hội, đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình trước những giải pháp mà Bộ trưởng đã nêu. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất, các chương trình, chính sách, dự án thực hiện cần có sự thống nhất, tránh sự manh mún, chồng chéo, không đem lại hiệu quả.

“Các tỉnh mong muốn rằng Ủy ban dân tộc, các bộ ngành liên quan có văn bản hướng dẫn cụ thể để các chương trình đi đúng mục đích và đối tượng thụ hưởng trực tiếp là người dân vùng khó khăn, họ sẽ tiếp cận được một cách hiệu quả và có chất lượng. Những giải pháp đưa ra gắn với tình hình thực tế ở cơ sở để những nơi khó khăn thì với những nội dung Bộ trưởng trả lời sẽ là tháo gỡ những nút thắt”, đại biểu Đặng Bích Ngọc bày tỏ.