Trong năm 2023, chúng ta cũng đã đưa ra nhiều chủ trương, đường hướng phù hợp với thực tiễn, tạo đà tăng tốc cho những năm tiếp theo.

Xác định năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, ngay từ đầu năm, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2023, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương "tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động; luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành "giật cục."

Lời người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2023 đã nhấn mạnh hướng đi đúng: "Tư tưởng phải thống nhất, quyết tâm phải cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, giải quyết kịp thời các kiến nghị, vướng mắc của các địa phương".

Dù đã được dự báo, nhưng với cộng đồng doanh nghiệp, năm 2023 là một năm thực sự phải "gồng mình" trong tình cảnh đầy khắc nghiệt để trụ vững. Có những thời điểm, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nhất là trong thời gian cuối quý I/2023, lần đầu tiên xảy ra tình cảnh số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia và quay trở lại thị trường...

Bên cạnh việc ảnh hưởng của hậu Covid -19 dai dẳng, kéo dài và những khó khăn, thách thức về thị trường tiêu thụ và vốn, doanh nghiệp còn phải xử lý những bất cập trong nội tại của nền kinh tế, đó là thể chế, chính sách còn mâu thuẫn, điều kiện kinh doanh tồn tại nhiều rào cản khó vượt qua…

Để khắc phục những “điểm nghẽn”, khơi thông “ dòng chảy”, giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt “bão”, ngày 21/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm xóa bỏ những “điểm nghẽn”, với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất", huy động và giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành một loạt Chỉ thị, Công điện chỉ đạo kịp thời các bộ, ngành và địa phương xử lý những vấn đề cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho phát triển.

Trước đó, ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg nhằm chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức tại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành. Có thể nói, Công điện phản ánh tinh thần thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật trong chỉ đạo điều hành, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân….

Nhờ đó, năm 2023 là một năm thành công trên nhiều lĩnh vực và nền kinh tế vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt trên 5%, dù thấp hơn so với chỉ tiêu 6-6,5% nhưng vẫn ở mức tăng trưởng gần như cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Kinh tế tăng trưởng, lương cơ sở đã tăng lên bình quân là 20% cho cán bộ, công chức, viên chức. Quốc hội đã quyết định cải cách tổng thể tiền lương từ 1/7/2024, sau nhiều lần lùi thời hạn. Công tác an sinh xã hội vẫn luôn được quan tâm với nhiều chính sách từ trung ương tới địa phương. Việt Nam ước giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93%, (giảm 1,1%) và dự kiến có thêm 9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Tín hiệu vui là những ngày cuối năm này bên cạnh một số doanh nghiệp gặp khó khăn thì nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển dụng lao động. Đặc biệt Nghị quyết số 42-NQ/TW của Hội nghị TW 8 khóa XIII vừa qua đã xác định thời gian tới, tập trung xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, hiệu quả, bền vững và hội nhập; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Tiếp tục triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030; xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai… Đồng thời, xây dựng Khung quốc gia về thích ứng già hóa dân số và điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế; phấn đấu Việt Nam là quốc gia tiên phong trong Chương trình thúc đẩy toàn cầu về việc làm và an sinh xã hội hướng đến chuyển đổi công bằng theo sáng kiến của Liên hợp quốc và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Khép lại một năm và mới chỉ điểm qua một vài khó khăn, cũng như một vài giải pháp trong hàng “núi” công việc mà Đảng, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai “vận hành” cho thấy sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm, quyết liệt thực hiện mục tiêu đã đề ra, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng mừng.

Đất nước bước tiếp trên hành trình 365 ngày tới chắc chắn vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng với dấu ấn năm 2023, với bản lĩnh Việt Nam, chúng ta sẽ luôn năm bắt được cơ hội, vượt qua thách thức để tăng tốc về đích, với những thành công trên chặng đường phát triển mới. /.