Học sinh xích mích, cãi nhau, đánh nhau, có lẽ, cũng là chuyện thường tình của cái tuổi còn nông nổi. Nhưng điều đáng nói là, những năm gần đây, hiện tượng bạo lực học đường xảy ra liên tục trong các trường học với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Những clip do chính học sinh tự quay đẩy lên mạng xã hội thường khiến người xem không dám theo dõi hết hoặc không khỏi rùng mình vì sự hung hãn, côn đồ, hành xử như xã hội đen của những đứa trẻ chưa thành niên.

Điều đáng nói, các hành vi đánh đập bạn dã man, sỉ nhục, lột đồ, thậm chí đánh nhau trọng thương, đâm nhau tử vong…có thể xuất phát từ những lý do rất đơn giản như va chạm khi chơi đùa, những câu trêu chọc, hoặc có khi chỉ là những câu chữ comment trên mạng xã hội…

Theo số liệu gần đây nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ bạo lực học đường (trung bình 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau và cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.

Tình trạng bạo lực học đường đang trở thành một vấn đề xã hội nhức nhối với mức độ gia tăng nhanh chóng về số lượng và hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Đó không chỉ là tổn hại về thể chất mà còn là những chấn thương tâm lý của nạn nhân. Có em rơi vào tình trạng hoảng loạn, sợ hãi, rối loạn tâm thần, thậm chí, có hành vi tự tử. Thêm nữa, mạng xã hội với mức độ lan truyền thông tin chóng mặt, cũng khiến nạn nhân phải chịu thêm áp lực, tổn thương nhiều hơn, lâu hơn do bị nhiều người biết đến.

Về phía gia đình, đã có người lớn phải uất ức rơi lệ vì thấy con em mình bị hành hung tàn bạo. Phần nhiều phụ huynh khác lại có tâm lý hoang mang, lo lắng vì dường như trường học không còn là môi trường an toàn với những tình cảm hồn nhiên, trong trẻo của tuổi học trò.

Bạo lực học đường đang là một vấn nạn nhức nhối. Nghị định của Chính phủ Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường ban hành đã 4 năm nay. Những năm qua, nhiều lý thuyết, phương pháp dạy học tiến bộ, nhiều mô hình trường học nhân văn cũng được đưa vào áp dụng. Nhưng dường như nhà trường, thày cô giáo vẫn cảm thấy lúng túng, bất lực trước sự gia tăng của bạo lực học đường. Với hình thức kỷ luật cao nhất hiện nay được áp dụng chỉ là cho thôi học có thời hạn, nhiều người cho rằng, đó sẽ là thách thức lớn để ngăn chặn vấn nạn này.

Đặc biệt, đối với những học sinh gây ra hậu quả nghiệm trọng, như vụ việc một nam sinh dùng gậy sắt đánh vỡ sọ não bạn cùng trường hồi cuối tháng 1 vừa qua, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất lên tới 14 năm tù – có thể nói, quả là một vấn đề khó khăn đối với cả nhà trường lẫn giáo viên trong việc quản lý, giáo dục.

Vậy, làm thế nào để hạn chế bạo lực học đường? Để bạo lực học đường không trở thành bóng đen ám ảnh?

Có thể nói, ngoài môi trường gia đình, nhà trường, các em học sinh hiện nay còn chịu tác động lớn từ môi trường xã hội và môi trường trên mạng internet với không ít yếu tố tiêu cực, thiếu lành mạnh. Trong khi đó, các nhà trường phổ thông đang chỉ chú trọng tới giáo dục văn hóa hơn là dạy dỗ, uốn nắn nhân cách cho các em; các bậc phụ huynh thì bận mải cuộc sống, kiếm ăn cũng ít dành thời gian trò chuyện, tâm sự cùng con.

Chính điều này chứ không đơn thuần là khoảng cách thế hệ, khiến các bạn trẻ, khi có vướng mắc, ít chia sẻ cùng thầy cô, cha mẹ. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến cho mâu thuẫn giữa các em dễ trở thành vụ việc bạo lực nghiêm trọng khi thiếu đi sự can thiệp kịp thời của người lớn. Vì vậy, sự quan tâm, sát sao, gần gũi của cha mẹ, thầy cô đã và luôn là điều quan trọng.

Nhà giáo ưu tú, tiến sỹ Tùng Lâm từng nêu quan điểm: các nhà trường cần phải có phòng tâm lý đề hỗ trợ và giáo dục học sinh, thầy cô giáo phải có kiến thức và kỹ năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời và có tác động sớm với các biểu hiện bạo lực học đường và hành vi sai phạm.

Một vấn đề quan trọng không kém, đó là chương trình giáo dục phải dạy cho học sinh các kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình trước các tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống, không để bị bắt nạt, bị lạm dụng.

Và rõ ràng, trước sự phát triển phức tạp của bạo lực học đường, nhà trường cũng rất cần sự hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả của ngành chức năng và chính quyền địa phương khi có vụ việc xảy ra, nhất là ở ngoài khuôn viên nhà trường.