Giật mình khi thấy, hóa ra đường phố vắng không hẳn là “người dân ở chỗ nào, ở yên chỗ đó”. Phía sau tấm biển đỏ “khu vực cách ly” của ngõ 328, ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, nơi tập trung nhiều nhất số ca F0 của phường Thanh Xuân Trung, nhiều người dân vẫn đi lại, giao lưu với nhau.

Chủ tịch UBND TP HN sau khi kiểm tra địa bàn cũng đã chỉ ra “lỗ hổng” chết người này. Toàn bộ 1.700 người trong 2 con ngõ nhỏ được xác định đều là F1, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Và nguy hiểm hơn khi Thanh Xuân Trung không phải là địa bàn duy nhất của Hà Nội rơi vào tình trạng này. Ở nhiều nơi, những chiếc barrie chắn bên ngoài “vùng đỏ”, “vùng xanh” vô tình lại là vỏ bọc cho sự lỏng lẻo ở bên trong.

Giật mình khi công tác phòng dịch đã “bỏ lọt” hoặc chưa thật sự dành ưu tiên cho những địa điểm nguy cơ cao. Thanh Xuân Trung là khu vực có mật độ dân số dày đặc bậc nhất, với 40.000 dân/km vuông, gấp 16 lần mật độ dân số trung bình của cả thành phố. Ở đây còn có nhiều dãy nhà tập thể cũ từ những năm 60 của thế kỷ trước với khu vệ sinh dùng chung. Vậy thì những nơi này phòng lây nhiễm thế nào? Thực hiện giãn cách, tránh tiếp xúc đông người ra sao? Việc chính quyền đã từng yêu cầu các gia đình sắp xếp đi vệ sinh theo giờ, rõ ràng là không khả thi và có phần nực cười. Hiện, không chỉ Thanh Xuân Trung, Hà Nội còn 15 nghìn khu tập thể cũ như thế này, nếu không tính đến, sẽ biến thành những “quả bom” nổ chậm.

Giật mình khi nhận ra vẫn còn kiểu chống dịch hình thức, trong khi “giặc” đã áp sát và tấn công. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thành lập Sở chỉ huy chống dịch ở tất cả các cấp. Phường Thanh Xuân Trung cũng có. Nhưng Sở chỉ huy này không phân công nhiệm vụ cụ thể, không có người trực tại thời điểm kiểm tra. Một cách làm đối phó tại chính nơi đang là "vùng đỏ" khiến câu chuyện “trên nóng, dưới lạnh” trở nên nóng hơn bao giờ hết. Tư duy hình thức còn tồn tại ở đâu đó, nhưng hiện tại, dịch bệnh đang căng thẳng, tại khu vực được chỉ báo là "vùng đỏ" mà lại "lạnh" tới mức đó thì thật khó có thể chấp nhận. Nói đúng hơn là không thể chấp nhận trong hoạt động chống dịch vì nó có thể phải trả giá bằng mạng sống, sự an toàn của rất nhiều người.

Giật mình khi thấy, với cách làm và thái độ chủ quan như vậy, nếu không được phát hiện, chấn chỉnh thì sự “bung”, “toang” có lẽ là nhãn tiền chứ không còn là lời cảnh báo xa xôi.

Hà Nội giãn cách dài nhưng không hiệu quả như mong đợi. Hà Nội quy định nghiêm nhưng nhiều nơi đã thực thi không nghiêm.

Hà Nội quyết liệt ở trên nhưng ở dưới, một số nơi vẫn hững hờ…

Chính kiểu chống dịch kiểu nửa vời như kiểu phường Thanh Xuân Trung đang làm lãng phí cơ hội chủ động kiểm soát dịch, khiến những hy sinh của người dân, doanh nghiệp khi giãn cách trở nên vô nghĩa và rất có thể, bị rơi vào thế bị “đánh úp” lúc nào không hay.

Một cuộc kiểm tra bất ngờ khiến phát hiện ra nhiều điều phải giật mình. Không chỉ ở phạm vi một phường, một quận mà băn khoăn về sức chống đỡ của Hà Nội, không biết sẽ ra sao, nếu bị đặt vào kịch bản xấu hơn - đang là lo lắng của nhiều người.

Đừng chống dịch kiểu nửa vời. Giá phải trả đã và sẽ là quá đắt.