Luật BHYT của nước ta đang trong lộ trình nghiên cứu, xây dựng để trình cấp có thẩm quyền xem xét, thảo luận, sửa đổi theo định hướng thể chế hóa Nghị quyết 20 của Đảng là "đa dạng hóa các gói BHYT, tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT và BHYT thương mại". Chính sách BHYT bổ sung được dành riêng 1 chương trong đề án Luật BHYT sửa đổi lần này.

Đây là một chính sách bảo hiểm hoàn toàn mới ở nước ta, được đề xuất dựa trên thực tế về chi phí khám chữa bệnh – đặc biệt là các chi phí nằm ngoài danh mục của BHYT mà người bệnh đang phải tự bỏ tiền để thanh toán.

Thống kê của Bệnh viện K cho thấy, chi phí điều trị đối với một bệnh nhân ung thư dao động trung bình trên 176 triệu đồng/năm. Trong đó, BHYT chi trả khoảng 52 triệu đồng (chiếm gần 30% chi phí điều trị). Đặc biệt, có tới gần 34% bệnh nhân ung thư hiện nay không thể chi trả tiền thuốc men.

Với bệnh nhân tim mạch phải tiến hành đặt stent mạch vành, tổng chi phí cho 1 ca đặt stent dao động từ 80 – 150 triệu đồng. Trong đó, bảo hiểm đúng tuyến chi trả mức tối đa là 45 tháng lương cơ bản, tương đương khoảng 67 triệu đồng. Như vậy người bệnh sẽ phải tự bỏ tiền túi 10-80 triệu đồng cho một lần phẫu thuật.

Đây là những minh chứng cụ thể cho thấy sự chênh lệch khá lớn giữa nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao với danh mục BHYT chi trả cho người bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới đã thống kê, chi phí y tế từ tiền túi hộ gia đình ở Việt Nam chiếm gần 43% tổng chi tiêu y tế. Con số này cao gấp 2 lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Nguyên nhân là do quỹ BHYT chưa đảm bảo bao phủ toàn bộ nhu cầu và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đồng thời mức độ bao phủ về tài chính còn hạn chế.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng những mô hình tài chính y tế tiên tiến nhằm giảm gánh nặng chi phí điều trị cho người bệnh, giúp quản lý Quỹ BHYT hiệu quả và bền vững hơn.

Để tăng ngân sách cho chăm sóc sức khỏe, giảm tỉ lệ chi từ tiền túi của người dân, việc chuyển đổi mô hình tài chính y tế là cần thiết. Một số quốc gia như Trung Quốc đã phát triển mô hình BHYT bổ sung, với mục tiêu giúp thu hẹp khoảng cách giữa BHYT và bảo hiểm thương mại, giảm tỷ lệ tự chi trả của bệnh nhân, giúp cải thiện khả năng tiếp cận các loại thuốc và phương pháp điều trị tiên tiến với mức phí bảo hiểm hợp lý. Mô hình BHYT bổ sung này đã đạt được những thành công bước đầu.

Xuất phát từ thực tế hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta nên nghiên cứu và xây dựng mô hình phù hợp với bối cảnh của nước nhà.

Việc triển khai những mô hình tài chính tiên tiến phù hợp với thực tế sẽ đem lại hiệu quả tích cực cho số đông người dân thông qua việc góp phần đảm bảo tính bền vững cho Quỹ BHYT và giúp người bệnh ở nước ta tiếp cận những phát minh y khoa nhanh và gần hơn nữa.

Từ thực tiễn triển khai tại một số nước cho thấy, có thể phân chia các gói BHYT bổ sung theo nhu cầu thực tiễn của người dân như gói khám sức khỏe định kỳ, gói tầm soát ung thư sớm, gói điều trị các bệnh mạn tính cho người cao tuổi, gói điều trị hóa trị, xạ trị... Khi người bệnh có nhu cầu có thể đăng ký với đơn vị cung cấp để được hưởng thêm các quyền lợi nằm ngoài danh mục của BHYT với chi phí hợp lý.

Có như vậy mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân (không chỉ bao phủ về số người tham gia BHYT mà còn bao phủ cả chất lượng, trong đó bao gồm cả thuốc và các dịch vụ y tế hiện đại) theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW mới tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội.