Những cơn sóng - cả âm ỉ lẫn tuôn trào - liên quan đến Luật Điện ảnh chưa khi nào ngừng nghỉ trong 2 tháng qua. Đã có những hy vọng từ giới làm phim, khi họ nhìn thấy thiện chí lắng nghe từ cả cơ quan quản lí nhà nước (Cục Điện ảnh) và những nhà lập pháp (Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội).

Nhưng hy vọng vừa chớm nhen lên chợt bị dội gáo nước lạnh buốt! Đề xuất “Dừng chiếu phim nếu có nghệ sĩ vi phạm đạo đức” của một vị đại biểu Quốc hội khiến giới làm phim ngỡ ngàng. Có lẽ, đề xuất đó lấy cảm hứng từ chiến dịch “phong sát” mạnh tay của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với một số nghệ sĩ vi phạm ở nước này, đề nghị cấm sóng, xóa sạch hồ sơ làm nghề, thậm chí bắt giam!

Nhưng liệu có thể bê nguyên xi cách xử lý của nước khác sang áp dụng tại nước ta?

Đâu đó trên báo chí và mạng xã hội đã có ý kiến không đồng tình với đề xuất này. Giới điện ảnh cho rằng “Như thế là quá bất công khi cả tập thể phải gánh chịu hậu quả do một cá nhân gây ra. Một phim điện ảnh Việt Nam thường có kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Nếu dừng chiếu, thiệt hại cho nhà làm phim là vô cùng lớn”.

Chúng tôi muốn đề cập đến bản chất sâu xa dẫn đến sự khác nhau về điểm nhìn, khiến quan điểm giữa nhà làm luật và nhà làm phim cứ chan chát đối nhau!

Trong một cuộc trao đổi với VOV2 trước thềm kỳ họp Quốc hội, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành không dưới 2 lần đề cập đến vấn đề “An ninh tư tưởng”. Đó cũng là góc nhìn của cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo Luật Điện ảnh: Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, góc nhìn của Ban Tư tưởng Văn hóa TW đối với tình hình an ninh chính trị đất nước, khi mà hành vi không chuẩn mực của các ngôi sao điện ảnh rất dễ gây ảnh hưởng xấu đến lối sống một bộ phận giới trẻ.

Quan điểm đó không hề thay đổi sau 30 năm, trải dài từ thời bao cấp sang đến thời kinh tế thị trường: điện ảnh là một ngành nghệ thuật văn hóa tư tưởng!

Vậy còn dưới góc nhìn của các nhà làm phim?

Con số 20 tỷ đồng được nhắc đến ở đây, bởi với nhà làm phim, điện ảnh còn là một ngành kinh tế. Đã là ngành kinh tế thì các thuật ngữ “nhà đầu tư”, “lời – lỗ”, “chiến lược kinh doanh”, “PR – marketing – quảng bá”… không còn xa lạ.

Vậy điện ảnh là ngành văn hóa nghệ thuật hay ngành kinh tế?

Câu trả lời là cả 2!

Là môn nghệ thuật thứ 7 ra đời sau cùng, điện ảnh được thừa nhận là sự tổng hòa của cả 6 ngành nghệ thuật ra đời trước nó: văn chương, thi ca, hội họa, âm nhạc, điêu khắc, kiến trúc. Bản chất của nghệ thuật điện ảnh là sự tổng hòa, giao thoa của nhiều lĩnh vực.

Gọi nó là ngành văn hóa nghệ thuật, đúng nhưng chưa đủ! Điện ảnh mang lại lợi nhuận khổng lồ, và nó mang đủ các giai đoạn của một ngành kinh tế từ “Sản xuất, trao đổi, phân phối, lưu thông”.

Nếu Quốc hội và đơn vị làm luật chỉ tiếp cận điện ảnh dưới góc độ một ngành văn hóa nghệ thuật thì vô tình bỏ qua các đặc điểm của điện ảnh như một ngành kinh tế, sẽ không tính toán hết lợi ích và thiệt hại bên trong nó.

Một vị đại biểu Quốc hội khi trao đổi với VOV2 đã bày tỏ sự thất vọng khi đơn vị soạn thảo Luật Điện ảnh, dù đã tham khảo tới 20 bộ luật của các nước, vẫn chưa tìm ra cách tiếp cận hợp xu thế trong bối cảnh ngày nay.

Mà đã chưa đúng ngay từ cách tiếp cận ban đầu thì có sửa đổi, thêm thắt, bổ sung gì cũng chỉ là chuyện câu chữ.