MV “There’s No One At All” của Sơn Tùng có nhiều cảnh nhân vật khổ sở giằng xé nội tâm, kèm những câu hát chán chường cuộc sống. Không tìm thấy lối ra trên con đường tăm tối chạy mãi mà chẳng thấy điểm dừng, cuối cùng, cái chết lại trở thành lựa chọn duy nhất để giải thoát.

MV mới này bị dư luận phản ứng dữ dội khi ra mắt trong thời điểm cộng đồng vừa liên tiếp chứng kiến những vụ việc đau lòng của một số bạn trẻ lứa tuổi học sinh, sinh viên. Một số khán giả đặt câu hỏi, không hiểu sao Sơn Tùng có thể chọn cái kết MV tiêu cực như vậy.

Đâu đó trên các diễn đàn mạng, nhiều bậc cha mẹ lo lắng vì nam ca sĩ là Idol của con mình, có thể khiến lũ trẻ có những hiểu nhầm và làm theo thần tượng (trong MV) bằng hành động dại dột. Nhưng sâu thẳm hơn, nó chạm vào nỗi lo mơ hồ trong lòng các bậc phụ huynh: LIỆU CHA MẸ ĐÃ QUAN TÂM ĐẾN CON ĐÚNG CÁCH HAY CHƯA? Một phụ huynh lo ngại: “Khi sinh ra con, chúng ta không thực sự đã kết nối với nó. Không thực sự đủ tỉnh táo để chia sẻ cùng nó. Không thực sự biết về lựa chọn của nó. Vì thế, chúng ta sợ hãi”.

Người viết cũng đồng tình với quan điểm của nhà văn Hoàng Anh Tú khi anh chia sẻ trên trang cá nhân: "Có lẽ Tùng chưa làm cha mẹ, Tùng không biết nhiều cha mẹ sẽ giật mình sợ hãi khi con họ xem MV này. Nếu Tùng biết, việc phân biệt giữa phim ảnh với ngoài đời thực là khó khăn với lũ trẻ. Nếu Tùng biết, tự tử có tính lây lan rất mạnh…”.

Trong nghệ thuật, nghệ sĩ hoàn toàn tự do sáng tạo nhưng cũng cần nghĩ đến khía cạnh đạo đức, trách nhiệm xã hội và sự nhạy cảm với thời cuộc. Tác phẩm văn hóa nghệ thuật có tác động lớn đối với nhận thức con người, không thể coi là giải trí đơn thuần. Một bài hát có thể u buồn, nhưng là để giúp người ta được trải lòng và chữa lành, chứ không phải khiến mọi thứ đi vào ngõ cụt. Sơn Tùng quên hay không biết điều này?

Lác đác đâu đó có những ý kiến bênh vực yếu ớt thần tượng khi cho rằng, nói MV của Sơn Tùng mang tính tiêu cực, kích động tự tử là khiên cưỡng, quy chụp; và rằng “muốn nghệ thuật phát triển thì cần bỏ ngay khâu kiểm duyệt”, rằng “cần áp dụng các tiêu chuẩn Mỹ cho nền văn hóa Việt Nam!”…

Thế nhưng, họ lại không biết rằng (hoặc cố tình lờ đi), riêng trong năm 2021 nước Mỹ chứng kiến số vụ xả súng hàng loạt cao kỷ lục với gần 700 vụ, bình quân một vụ có ít nhất 4 nạn nhân. Liệu có nhiều người biết rằng, nước Mỹ - bên cạnh nền văn hóa nghệ thuật hào nhoáng xa hoa - cũng là quốc gia đối mặt với những vấn nạn xã hội tiêu cực như bắt nạt học đường, lạm dụng ma túy, cần sa, tự tử, chênh lệch giàu nghèo, tỷ lệ tội phạm luôn ở mức cao?

Văn hóa Việt Nam khác xa và không bao giờ nên đồng nhất với văn hóa Mỹ, bất chấp việc chúng ta đang sống trong thế giới phẳng. Thứ nên chia sẻ là NHỮNG GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CHUNG PHỔ QUÁT CỦA NHÂN LOẠI chứ không thể là NHỮNG VẤN NẠN CHUNG TOÀN CẦU. Chúng ta muốn tốt hơn, muốn vươn lên chứ không ai lại muốn hạ mình thấp xuống để bằng người khác.

Còn nếu đúng là Sơn Tùng đang lạm dụng “thủ thuật gây tranh cãi” để hâm nóng tên tuổi với MV mới của mình (như ý kiến của một số người), thì làm ơn, xin hãy dừng lại. Hãy trách nhiệm với các fan, với những đứa trẻ!

Làm nghệ thuật, một tư duy tốt là chưa đủ - mà quan trọng hơn - cần một tâm sáng…