Một thời gian rất ngắn trước, Hà Nội chi số tiền khổng lồ để thêm một lần đào vỉa hè thành phố lên lát lại bằng đá. Chính quyền thành phố tuyên bố lần này sẽ là công trình có độ bền hàng chục, hàng trăm năm. Nhưng năm 2020 này, các vỉa hè với những phiến đá mới lát chưa được 2 năm đã bong tróc, nứt vỡ, tạo nên một hình ảnh quen thuộc về sự nhếch nhác và mất mỹ quan, cứ như thể đường phố phải nhếch nhác thế mới là Hà Nội.

10 năm trước, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, một cuộc “cách mạng vỉa hè” đã được tiến hành. Toàn bộ gạch lát quanh hồ Gươm được thay bằng gạch block và tất nhiên, ngân sách phải chi cho việc này không hề nhỏ. Thời điểm đó, với những lý lẽ, luận chứng đầy sức thuyết phục, thành phố đã khiến người dân tin rằng, đây là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa cho ngày lễ trọng đại. Tuy nhiên, luận chứng đó lại chịu thua lý lẽ của chính thành phố của vài năm sau, khi mà chính quyền thành phố muốn rằng, vỉa hè của thủ đô - trái tim cả nước cần phải được “thay áo mới”. Vậy là vỉa hè của hơn 900 tuyến phố Hà Nội được đè ra lát bằng đá, với lời khẳng định là vỉa hè có độ bền lên tới 70 năm.

Khi Hà Nội bóc vỉa hè lên lát lại những năm trước, cả người dân và báo chí đều ngạc nhiên với cách mà Hà Nội thi công vỉa hè. Cách thi công điển hình là cát lẫn đất ở dưới, gạch hoặc phiến đá mỏng lát ở trên. Nhiều ý kiến cảnh báo đã được nêu ra, rằng cách làm nhưng vậy khó bền vững.

Những cảnh báo đó đã vài lần thành hiện thực. Hà Nội đã từng có những tuyến phố vỉa hè nhấp nhô vì đất cát sụt lún, còn gạch lồi lõm, uốn lượn ngay sau khi vừa lát xong. Mấy năm nay, thay vì sự nhấp nhô của gạch, những vỉa hè đá trị giá nghìn tỷ của thủ đô lại nứt, vỡ, nhấp nhô và xấu xí không khác trước.

Năm nay, Hà Nội lại hăm hở chi tiền sửa chữa, lát lại đá cho vỉa hè. Những chuyến xe chở đá xẻ đổ vật liệu ào ào, rải đá nguyên liệu khắp các con đường thủ đô. Những toán lao động trong vai thợ xây đang thi nhau đổ vữa lát đá theo kiểu làm cho xong thật nhanh để kịp giải ngân. Rất nhiều tuyến phố biến thành công trường, kéo theo đó là lộn xộn, ngổn ngang, bụi bặm và nhếch nhác, kéo theo đó còn là những câu hỏi khó có câu trả lời về độ bền của vỉa hè lần này, về trách nhiệm sử dụng ngân sách của những cơ quan ban ngành thủ đô.

Một Hà Nội với những tuyến phố bớt nhếch nhác và ô nhiễm, với những vỉa hè bằng phẳng có thể đi bộ, luôn là mong ước của người dân thủ đô. Trồng cây xanh hay lát đá vỉa hè để thành phố đẹp hơn, văn minh hơn là những chủ trương đúng, cần làm. Nhưng vấn đề cần bàn ở đây là chủ trương đúng đó đã được thực hiện như thế nào trong suốt những năm qua. Liệu chủ trương đúng đó đã bị thực hiện theo một cách không đúng, thiếu kiểm soát và rất lãng phí?

Vỉa hè là một phần bộ mặt đô thị, nơi góp phần định hình đặc trưng văn hóa của mỗi đô thị và phong cách sống của một thành phố. Có lẽ nhìn vào vỉa hè là biết được một phần năng lực quản trị của chính quyền cũng như văn hóa ứng xử của người dân của thành phố đó.

Thế giới đã có nhiều thành phố mà vỉa hè lát đá từ gần 2000 năm trước đến bây giờ xe vẫn chạy và người vẫn đi, đá chỉ mòn đi mà không hề nứt vỡ. Nhiều tuyến phố ở TP.HCM hay Hải Phòng được lát đá cả chục năm nay vẫn bền đẹp mà không cần phải năm nào cũng đào lên sửa chữa. Tại sao Hà Nội không như vậy?

Đá ở đâu cũng là đá, cũng bền bỉ nhưng chỉ Hà Nội, thì nhất định phải khác?

Vỉa hè ở đâu cũng cần đẹp và bền. Những cam kết và chữ tín của chính quyền đối với nhân dân Hà Nội cũng cần bền vững và có sức nặng, đừng dễ nứt vỡ như vỉa hè thủ đô bao năm qua.