Trong các nhà thơ nữ viết về phụ nữ thì có lẽ, Xuân Quỳnh được coi là đậm chất nữ tính nhất: "Anh thân yêu, người vĩ đại của em/Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối/Một chút mặn giữa đại dương vời vợi/Lời rong rêu chưa ai biết bao giờ/Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua/Là hạt bụi vô tình trên áo/Nhưng nếu sáng nay em chẳng đong được gạo/Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ǎn…"

Trong câu thơ này, người phụ nữ bé nhỏ với những lo toan nhỏ bé thường nhật, xem ra, lại là chỗ dựa cho người đàn ông “vĩ đại” của đời mình. Và dù nỗi lo cơm áo mỗi ngày có vẻ tầm thường như vậy nhưng tình yêu của người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh thì lại luôn là vô cùng, vô tận: “biết yêu anh cả khi chết đi rồi”.

Điều đáng nói là, những sáng tác ra đời từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước của Xuân Quỳnh, qua thời gian, qua nhiều thế hệ, vẫn nhận được sự đồng cảm và ngưỡng mộ của người yêu thơ cả nam lẫn nữ. Người ta nhận ra ở đó, chân dung một người phụ nữ, một người đàn bà đích thực.

Công cuộc giải phóng phụ nữ và tư tưởng bình đẳng giới trong xã hội giao lưu mở cửa với các nước dường như đã làm bật tung các quy chuẩn, định kiến về giới nam và giới nữ vốn có. Không chỉ các phong trào, các hoạt động xã hội mà cả rất nhiều quy định, chính sách, trong đó có những quy định của pháp luật, được thể hiện rõ ở Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Bộ luật Lao động sửa đổi 2019, tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống, có cơ hội phát triển. Qua đó, phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí không chỉ trong xã hội mà ngay cả trong gia đình, khi mà khả năng kiếm tiền và các mối quan hệ xã hội ngày càng rộng mở.

Nếu như khoảng giữa những năm 90 của thế kỷ 20, khái niệm bình đẳng giới và việc đấu tranh cho bình đẳng giới xem ra còn khá xa lạ và bị coi là tây hóa thì 5 năm sau đó đã có sự thay đổi và giờ đây, là bước tiến dài khi người ta đã chấp nhận và thừa nhận nó như sự phát triển tất yếu của một xã hội văn minh.

Nữ giới tham gia chính trường, là người lãnh đạo, quản lý, là doanh nhân thành đạt, là người kiếm tiền chủ yếu trong gia đình. Nữ giới và nam giới có thể làm những nghề mà trước đây, như một quy định bất thành văn, là chỉ dành cho giới này hay giới khác. Và kể các hoạt động thư giãn, vui chơi giải trí, phụ nữ có thể đến bất kể chỗ nào, sử dụng bất cứ dịch vụ gì mình muốn với những danh mục cũng ngang ngửa nam giới.

Nói thế để thấy rằng, quyền tự do, bình đẳng của phụ nữ đã thay đổi đáng kể. Thế nên mới có chuyện, ngày 8/3, ngày 20/10, đàn ông kêu gào rằng ngày dành cho phụ nữ sao mà lắm thế. Thế mới có chuyện không ít nhóm thuộc “nửa thế giới” còn lại đòi tẩy chay ngày Quốc tế Phụ nữ bởi theo họ, đã bình đẳng lắm rồi, thậm chí là hơi quá rồi, có gì mà phải đấu tranh, phải tôn vinh.

Nhưng hoa ngày 8/3 vẫn được trao cho những chủ nhân của nó (dù các anh phải mua hơi đắt), những lời ngợi ca vẫn được phát biểu tại các cuộc mit-tinh, các diễn đàn, những lời cảm ơn, yêu thương vẫn được trao gửi đến những người phụ nữ thân yêu trong gia đình.

Dù gì thì gì, phụ nữ trước tiên vẫn là phái đẹp, họ xứng đáng được tặng hoa. Và dù gì thì gì, phụ nữ là một nửa đặc biệt quan trọng của thế giới, như nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã viết, nhưng là một nửa mảnh ghép, không phải là nửa cắt đều.

Cách đây gần 18 năm, khi theo học khóa học do tổ chức SIDA tài trợ, tôi đang mang bầu cháu thứ 2. Người bạn đồng nghiệp làm tại Đài phát thanh Luleå, Thụy Điển hỏi tôi, khi sinh xong đứa thứ 2 thì mày có nghỉ làm không? Tôi đã vô cùng ngạc nhiên vì trong đầu chưa bao giờ có khái niệm đó, còn cô ấy bảo rằng, ở đây, nếu sinh con thứ 2, phụ nữ thường nghỉ ở nhà để chăm sóc con cái, gia đình. Một người bạn khác ở Nhật cũng cho hay, ở đất nước mặt trời mọc này, phụ nữ có bằng đại học, thạc sỹ ở nhà chăm con là chuyện thường. Mẹ có trình độ càng cao thì chăm sóc, nuôi dạy con cái càng tốt. Điều đó được đánh giá cao bởi với họ, chăm sóc con trẻ được tính là thực hiện nghĩa vụ đối với xã hội.

Ở nước ta, Bộ luật Lao động đã qua nhiều lần sửa đổi nhưng những quy định về thời gian được nghỉ thai sản, thời giờ nghỉ ngơi trong ngày “đèn đỏ” và cho con bú hay những danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại không được làm vẫn luôn là những quy định gắn liền với lao động nữ.

Điều đó có nghĩa là thực hiện bình đẳng giới trên cơ sở tính đến những khác biệt giữa hai giới. Và cũng có nghĩa là, bình đẳng là tôn trọng, trân trọng và đánh giá đúng sự khác biệt.

Một câu nói nổi tiếng của “người đàn bà thép”, nữ Thủ tướng vĩ đại của nước Anh - Margaret Thatcher - được nhiều người yêu thích: “Sứ mệnh của người phụ nữ không phải để cường hóa tinh thần nam tính, mà để thể hiện nữ tính; sứ mệnh của người phụ nữ không phải là duy trì thế giới nam tôn, mà là xây dựng thế giới con người bằng việc đưa yếu tố nữ tính của mình vào mọi hoạt động của nó” (The woman’s mission is not to enhance the masculine spirit, but to express the feminine; hers is not to preserve a man-made world, but to create a human world by the infusion of the feminine element into all of its activities).

Vậy nên, hoa hồng mùng 8/3, tiếc gì không dành tặng cho sự nữ tính đáng yêu, đáng quý. Và tặng hoa cho phụ nữ, âu cũng là cách thể hiện nam tính của cánh mày râu.