Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa đồng ý với chủ trương của Bộ GD&ĐT về việc thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81 của Chính Phủ đối với các trường Đại học và cơ sở Giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên trước khi các trường Đại học thực hiện lộ trình này phải chờ Chính phủ ra Nghị quyết giao cho Bộ GD&ĐT sửa đổi Nghị định 81 theo quy trình rút gọn.

Theo Nghị định 81 của Chính phủ về Quản lý học phí, năm học 2022-2023 mức trần học phí đối với những trường Đại học chưa tự chủ dao động từ 13,5-27,6 triệu đồng/năm học (10 tháng). Các trường Đại học tự chủ có mức học phí cao hơn từ 2-2,5 lần so với các trường chưa tự chủ. Nghị định 81 có hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 năm 2021, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ yêu cầu các trường không tăng học phí ở các bậc học.

Sau 2 năm không tăng học phí, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, năm học 2023-2024 này các trường Đại học dự kiến sẽ tăng 10-20% học phí. Việc tăng học phí ở bậc học Đại học là điều tất yếu. Bởi trong bối cảnh lạm phát tăng, các trường Đại học cũng khó có thể nâng cao chất lượng đào tạo. Suất đầu tư cho một sinh viên trong cả quá trình học Đại học ở nước ta tính trung bình từ 60 đến 100 triệu đồng cho 4 - 5 năm học là quá thấp so với chi phí đào tạo một sinh viên tại các trường Đại học ở nước ngoài. So với học phí của học sinh phổ thông ở trường dân lập chất lượng cao thì học phí cho cả 4-5 năm học đại học chỉ bằng 1/3 đến 1/2 học phí trong một năm học của một học sinh trường phổ thông.

Thực tế, tại Việt Nam chi phí đầu tư đào tạo cho sinh viên không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thu học phí sinh viên đóng mà còn được đầu tư ở nhiều nguồn khác nhau: Ngân sách nhà nước, các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, các nguồn tài trợ, các nguồn thu từ cơ sở chất của nhà trường… Mức học phí hiện nay ở các trường Đại học Việt Nam khá chênh lệch và chưa thực sự công khai, minh bạch. Những chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài hay "nhập khẩu" hoàn toàn từ nước ngoài, có giáo sư, chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy thường sẽ có mức học phí cao gấp 2-3 lần các chương trình khác.

Với những chương trình đào tạo này, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định các trường Đại học phải công khai, minh bạch điều kiện học tập, cơ cấu đào tạo, các khoản thu của mỗi chương trình đào tạo để cho thí sinh và các bậc phụ huynh lựa chọn. Vậy nhưng, trên thực tế vẫn có cảnh “treo đầu dê, bán thịt chó", học phí không đi đôi với chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục. Trong khi, những trường, chuyên ngành đào tạo về khoa học, kỹ thuật, công nghệ hay y khoa... mức chi phí đào tạo cao, cần được đầu tư trang thiết bị, máy móc cập nhật xu hướng phát triển của thế giới để các sinh viên có điều kiện nghiên cứu, thực hành thì lại có mức thu học phí thấp.

Nghị định 81 của Chính Phủ về quản lý học phí đã có những quy định khá rõ ràng về các mức học phí đối với Đại học tự chủ và chưa tự chủ, mức học phí của một số khối ngành đặc thù … và cho phép các trường được tự xác định mức thu học phí đối với một số chương trình đào tạo đạt chất lượng kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do cơ sở giáo dục đó ban hành với yêu cầu phải công khai, minh bạch. Đây là cơ hội để các trường Đại học cơ cấu, chọn lọc để đầu tư xây dựng những chương trình đào tạo chất lượng cao, thu hút sinh viên có khả năng và điều kiện.

Việc xây dựng nhiều chương trình đào tạo, nhiều mức học phí cho người học lựa chọn cũng là điều cần thiết để cơ hội nâng cao trình độ, kiến thức được rộng mở hơn. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách khuyến khích miễn giảm học phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên đăng ký học những ngành khoa học cơ bản, STEM… để tạo sự công bằng xã hội và đảm bảo cơ cấu ngành nghề góp phần ổn định nguồn nhân lực cả về chất lượng và số lượng. Tuy nhiên việc tăng học phí phải đồng nghĩa với việc chất lượng các chương trình đào tạo phải được nâng lên và các trường Đại học phải có trách nhiệm trả lời cho câu hỏi: “Học phí tăng- Chất lượng có tăng"?