“Tiên học lễ, hậu học văn” là câu nói xuất phát thời Phong kiến. Ở đó, chữ “lễ” để chỉ phẩm chất theo chuẩn mực của Nho giáo bao gồm “Trung-Hiếu-Tiết-Nghĩa”, dưới góc nhìn hiện đại, chuẩn mực đó được hiểu như sự phục tùng.

Tuy nhiên, một câu nói cổ xưa đi vào đời sống của từng cộng đồng và cao hơn, từng thời đại, nó cũng sẽ được bổ sung hoặc thay đổi phần nào theo nét nghĩa mới, được đa số người thuộc cộng đồng, thời đại đó chấp nhận với cùng cách hiểu và cách sử dụng.

Chữ “lễ” trong câu “Tiên học lễ, hậu học văn” lâu nay được đa số chúng ta sử dụng đều với nghĩa là đạo đức, là lối sống và phông văn hóa, chứ ít ai hiểu theo nghĩa phục tùng. “Lễ” mang tính biểu trưng cho đạo đức nói chung chứ không còn cụ thể là tinh thần “Trung-Hiếu-Tiết-Nghĩa” thời Phong kiến.

Bởi vậy, có thể hiểu tại sao xã hội lại bức xúc khi có đề xuất bỏ câu nói có tính khẩu hiệu này trong các nhà trường, đặc biệt là trong bối cảnh xuống cấp về đạo đức như con cái hỗn láo với cha mẹ, học trò hỗn hào với thầy cô, tình trạng bạo lực học đường, bạo lực xã hội gia tăng, trường học nặng về dạy kiến thức mà nhẹ về dạy làm người.

“Lễ” nếu hiểu là văn hóa ứng xử thì phương Tây cũng có “lễ”. Nhưng lễ của phương Tây khác với phương Đông, khác với các nước ảnh hưởng bởi Khổng giáo và đương nhiên là khác với Việt Nam.

Gặp người phương Tây, không nên hỏi về thu nhập, lương bổng, càng không nên hỏi về đời tư và nhất là không nên hỏi tuổi với phụ nữ. Bởi theo cái “lễ” của họ thì thế là không lịch sự, không phải phép.

Còn chúng ta, lễ là đi có hỏi về có chào, kính trên nhường dưới, là quan tâm, thăm hỏi nhau dù đôi lúc những hỏi han riêng tư cũng làm ta khó xử…

Nếu coi “lễ” như phẩm giá, đạo đức thì có những chuẩn mực chung mang tính phổ quát nhân loại, phương Đông cũng như phương Tây, ví dụ như lòng trắc ẩn, nhân ái, bao dung, là tính trung thực, thẳng thắn, lòng tự trọng…

Nếu hiểu chữ “lễ” như thế thì chẳng cần gọi tên nó là “lễ” chúng ta cũng đâu có thể từ bỏ. Bởi ở xã hội nào, các giá trị phổ quát chung cũng cần phải được trao truyền, bồi đắp, dạy dỗ bằng cả 3 chân kiềng: gia đình, nhà trường và xã hội.

Nhưng nếu nhìn chữ “lễ” với cách ít người hiểu hơn là sự phục tùng, thì liệu có vì bỏ một câu nói mà thay đổi được cả triết lý giáo dục, thay đổi tư duy của cả hệ thống?

Có lẽ là chưa đủ. Bởi để thổi luồng gió của sáng tạo, khích lệ tư duy phản biện và thay đổi cách dạy học theo hướng tiếp cận phẩm chất năng lực người học trong các nhà trường như điều chúng ta đang mong muốn và đang bắt tay vào làm thì đâu chỉ đơn giản là việc bỏ một khẩu hiệu. Cho dù trong nhiều trường hợp, khẩu hiệu cũng có tác dụng định hướng rất lớn.

Theo tôi, những tranh luận về việc bỏ hay không bỏ một câu khẩu hiệu, nếu nhìn ở mặt tích cực, nó cũng cho thấy tất cả chúng ta đang có sự đồng thuận về khát vọng giống nhau. Khát vọng có môi trường giáo dục dân chủ, khát vọng đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục để có những thế hệ học sinh mới có được những phẩm chất và năng lực làm cho cuộc sống của chính các em và của cả xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn.

Vậy thì, điều rất cần lúc này, “khẩu hiệu” rất cần lúc này là chúng ta phải làm gì và có thể đóng góp gì cho việc thực hiện khát vọng chung đó. Đấy mới chính là điều nên được tranh luận nhiều hơn. Bởi nếu quá sa đà vào một câu khẩu hiệu, tranh luận sẽ không còn là phản biện tích cực mà sẽ là phê phán cá nhân, không có ích lợi gì cho một đích đến mà chúng ta cùng hướng tới.