Vào những năm đầu thập niên thứ 2 thế kỷ mới, Liên hợp Quốc kêu gọi các quốc gia cần coi hạnh phúc là mục tiêu cơ bản của con người, là thước đo chính xác cho tiến bộ xã hội và các mục tiêu chính sách công của các nước trên toàn cầu. Giáo dục thế giới, nhất là các nước Châu Á-Thái Bình Dương, đã lập tức đưa ra ngay câu hỏi: Hạnh phúc cá nhân của học sinh sao không thể lấy nó làm thước đo thành tích và chất lượng các nhà trường?

Trong thời đại ngày nay, con người là sản phẩm của nhà trường rất năng động nhưng cũng quá căng thẳng, chịu áp lực nhiều của sự bất bình đẳng và môi trường ô nhiễm. Giáo dục cần hướng người học tới các giá trị tinh thần, tới lòng tốt và biết ơn, tới tính kiên trì và tinh thần cộng đồng. Các quốc gia cần định vị lại trường học thay vì chỉ chú trọng dạy học theo tư duy logic, trong đó, cần phát triển các giá trị của cảm xúc hạnh phúc, nâng cao lòng tự tin và năng lực hợp tác trong quá trình học tập và làm việc.

Thời đại ngày nay, sự ghi nhớ không còn là yếu tố để đánh giá năng lực của học sinh nữa mà cần sự sáng tạo của người học. Nghị quyết 29-NQ/TW đã chỉ ra mục tiêu cho giáo dục là cần phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, cũng chính là phát triển cân bằng trí tuệ cảm xúc và trí tuệ lý trí cho người học.

Mong muốn có được một nhà trường mà ở trong đó mọi người đều có được cảm giác sung sướng vì đạt được ý nguyện, trong đó quan trọng nhất là giáo viên hạnh phúc. Khi giáo viên hạnh phúc, họ có thể và mong muốn tạo ra hay mang đến hạnh phúc cho học sinh.

Muốn vậy, trong mỗi trường học, Hiệu trưởng là người khởi nguồn và tổ chức, kiến tạo. Ngược lại, sự thành công và hạnh phúc của học sinh, của giáo viên lại là thành công và là niềm vui của Hiệu trưởng chứ không phải thành công của bất kỳ cơ sở giáo dục mang ý nghĩa một đơn vị hành chính nào.

Thực tế cho thấy, Hiệu trưởng và giáo viên là những nhân tố quan trọng truyền cảm hứng và cũng là người cầm lái, chèo lái “con tầu” trường học hạnh phúc. Vì vậy, các thày cô phải có tâm thế của người có hoài bão hạnh phúc và sẵn sàng dấn thân vì trường học hạnh phúc.

Hơn bao giờ hết, Nhà nước cần hết sức lắng nghe cảm xúc của các nhà giáo về những lo toan thường nhật, về những áp lực căng thẳng của nhà trường, của xã hội mà thời nay có, thời xưa không có. Qua đó, có những động thái phản hồi cho đội ngũ nhà giáo.

Nghề giáo vốn dĩ là nghề khó thay đổi nhất vì bản chất có tính “bảo thủ” và tính kiên định của người làm nghề. Thay đổi giáo viên đã khó nhưng muốn làm Hiệu trưởng thay đổi còn khó gấp nhiều lần. Chính vì thế, Hiệu trưởng - "người dẫn dắt, lan tỏa hạnh phúc” là nguyên tắc vàng để xây dựng trường học hạnh phúc.

Mô hình trường học hạnh phúc được quy định bởi 3 nhóm tiêu chí (3P). Tiêu chí về con người (people) là sống bao dung, tôn trọng và đầy lòng trắc ẩn. Tiêu chí thứ hai là quá trình hoạt động của nhà trường (process) là dạy học phải không có áp lực, thực sự hạnh phúc. Thứ ba, địa điểm trường học (place) là phải có phong cách, cuốn hút và níu kéo được cộng đồng. Đây là kim chỉ nam cho xây dựng mô hình trường học hạnh phúc.

Hiệu trưởng và giáo viên phải cùng sắm hai vai trong quá trình xây dựng trường học hạnh phúc. Một là phải kiếm tìm hạnh phúc từ trong chính nghề dạy của mình. Hai là rèn luyện để trở thành con người có hạnh phúc như bao người khác.

Không khó để thấy rằng, ở các nhà trường, quyền lực cao nhất nằm trong tay Hiệu trưởng. Vì thế, xây dựng môi trường học đường ấm áp, thân thiện, an toàn, dân chủ, không bị “bắt nạt” không chỉ có ý nghĩa với học sinh mà với cả giáo viên, nhân viên. Hiệu trưởng hãy bắt đầu bằng việc đối thoại cởi mở, dân chủ với giáo viên và học sinh.

Quản trị nhà trường phải sáng tạo, linh hoạt để quá trình dạy học và giáo dục không áp lực và mang lại hạnh phúc cho mọi người trong trường. Chú trọng tới tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của giáo viên, nhân viên, coi trọng tính kỷ luật để hoàn thành công việc có chất lượng và hiệu quả.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng trước hết phải là người có hạnh phúc để lan tỏa hạnh phúc. Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, Hiệu trưởng là người tiên phong, là linh hồn của trường. Hiệu trưởng hạnh phúc thì hạnh phúc ấy sẽ lan tỏa tới thầy cô, sẽ đem đến hạnh phúc cho học sinh, cho cha mẹ học sinh.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, khi giáo viên đủ hiểu biết, trình độ, kỹ năng để trút bỏ áp lực, lớp học, học sinh sẽ hạnh phúc. Hiệu trưởng là người giúp giáo viên thoát khỏi những áp lực, sự quá tải trong dạy học. Nếu không, giáo viên không còn sức đâu nghĩ đến trường học hạnh phúc. Trường học với bầu không khí căng thẳng và bất an thì trường học hạnh phúc chỉ là điều viển vông.

Để làm được những điều lớn lao, cao xa thì ngay từ bây giờ, mỗi cán bộ quản lý cần học cách làm những việc nhỏ bé, bình thường như: bình tĩnh lắng nghe, đặt mình vào vị trí của người khác khi xử lý công việc, chú ý đến cảm xúc của người khác khi làm việc, gọi tên cảm xúc, sẵn sàng nói lời xin lỗi, kết nối và mở lòng, cùng nhau đưa ra giải pháp...

Đổi mới giáo dục hiện nay cả thày và trò cùng chịu áp lực. Một khi giáo viên thấy hạnh phúc khi làm mới bài giảng của mình, học sinh sẽ có kết quả học tập tốt và tiến bộ, từ đó các em sẽ được hạnh phúc. Quản trị hoạt động dạy và học theo hướng hình thành và phát triển năng lực học sinh; giáo dục không áp đặt, phát huy tính chủ động, tích cực của người học; tích hợp ở lớp dưới và phân hóa ở lớp trên.

Bản thân giáo viên cũng phải học cách lắng nghe tích cực: lắng nghe nhau và phản hồi đừng để người khác bị tổn thương, phải nói với nhau những điều giúp người ta trưởng thành, tiến bộ, khác với việc nói cho thỏa ý mà làm người khác đau đớn, tổn thương. Giáo viên với giáo viên phải cư xử sao cho cùng hạnh phúc, không có kẻ thắng người thua.

Có thể nói, trường học hạnh phúc là mục tiêu hướng tới nhưng cũng phải là nét đẹp văn hóa của riêng mỗi nhà trường. Ở đó, giáo viên và học sinh là những người biết sống tử tế, thương yêu và tôn trọng lẫn nhau. Như vậy, trường học hạnh phúc không thể là ngôi trường chỉ được đánh giá chung chung, nặng về chuyên môn.

Ngôi trường hạnh phúc là của cả giáo viên và học sinh và do tất cả cùng tạo dựng, trong đó, giáo viên cần phải được quan tâm đặc biệt. Đời sống được đảm bảo là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng quan trọng hơn, họ phải cảm thấy được trân trọng, được chủ động sáng tạo và hạnh phúc với nghề giáo.

Đặng Tự Ân (Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT)