Gia đình cô bạn tôi tái dương tính với Covid lần thứ 2 cách đây 10 ngày. Nhưng cả nhà yên tâm cậu con út năm nay vào lớp 1 chắc chắn sẽ được tham dự ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”. Thậm chí, ngày Chủ nhật cuối cùng đã được cả nhà đặt lịch đi test PCR để chắc chắn việc cậu con út hoàn toàn khỏi Covid.

Năm nay cháu vào lớp 1, lớp học đầu đời thực sự đặc biệt với đứa trẻ và cả gia đình bạn tôi. Và Lễ khai giảng năm học mới là một sự kiện trọng đại được cả gia đình bình tĩnh đón chờ trong lúc áp dụng các biện pháp phòng dịch an toàn.

Tâm thế đó hoàn toàn khác với cách đây 1 năm, khi Covid-19 đang gây ra những mất mát và nỗi sợ hãi. Ngày 5/9 năm ngoái, hầu như tất cả các tỉnh thành trên cả nước đã đón một khai giảng chưa từng có trong tiền lệ, khai giảng trực tuyến. Và cả năm học, học sinh các cấp hầu như không được đến trường, hoặc đến trường trong trạng thái sẵn sàng nghỉ bất kỳ lúc nào nếu có ca bệnh xuất hiện. Nỗi bất an thường trực trong mỗi gia đình có con đi học và trong mỗi nhà trường.

Mùng 5/9 năm nay, học sinh cả nước được đến trường dự Lễ khai giảng trực tiếp, ngắn gọn nhưng có cờ hoa, có nụ cười của bạn bè, thầy cô, có đồng phục mới và tiếng trống khai trường dồn dập như thúc giục những trái tim đang reo vui.

Đó là niềm vui của một “mùa bình thường” như trong lời bài hát của nhạc sỹ Văn Cao. Covid-19 đã khiến chúng ta mất mát nhiều, nhưng nó cũng khiến chúng ta trân trọng hơn những điều bình thường của cuộc sống, trong đó có một điều mà lâu nay ta vẫn nghĩ là hiển nhiên: trẻ con thì phải được đến trường.

Nhưng Lễ khai giảng trong một “mùa bình thường” sau đại dịch cũng vẫn sẽ gợi ra biết bao trăn trở và kỳ vọng.

Sau một thời gian dài học trực tuyến vì dịch bệnh, trẻ em bị ngắt kết nối với bên ngoài, với bè bạn và thầy cô. Chúng đã kịp quen với việc một mình và qua màn hình. Kèm theo đó, tỷ lệ nghiện điện thoại, mạng xã hội tăng lên rõ rệt. Còn phải mất nhiều thời gian, nhiều sự nỗ lực và phối hợp giữa phụ huynh và thầy cô để giải quyết triệt để câu chuyện “Alice ở xứ xở của mạng” như cách nhiều người lớn vẫn ví von.

Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 với các khối lớp tiếp theo là lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Chương trình mới được kỳ vọng về sự đổi mới mạnh mẽ trong cách dạy học phát triển năng lực, cá nhân hóa người học. Nhưng còn đó nỗi lo về thiếu trường lớp để bắt kịp sự phát triển của đô thị, thiếu giáo viên cả về số lượng và chất lượng để phù hợp với chương trình mới, nỗi lo về thi cử để phù hợp với giáo dục định hướng nghề nghiệp…

Nhưng còn một nỗi trăn trở bao trùm là bao giờ có học thật, thi thật? Bao giờ hết bệnh thành tích trong giáo dục? Chưa kịp vui vì được trở lại trường học trực tiếp, liệu trẻ có bị rơi vào vòng quay của áp lực bệnh thành tích xuất phát từ cả cha mẹ và các nhà trường?.

Cùng với niềm hân hoan của Lễ Khai giảng trực tiếp trong “mùa bình thường” vẫn còn đó những thách thức không hề nhỏ đối với ngành giáo dục, với các thầy cô, mỗi nhà trường…