Đen Vâu ra ca khúc mới, Đen Vâu lên top 1 trending Youtube và vẫn như mọi khi… ca khúc của Đen trở thành tâm điểm tranh cãi.

“Mang tiền về cho mẹ” - bài rap chạm đến cảm xúc của nhiều người ở nhiều lứa tuổi. Và “Mang tiền về cho mẹ” nhanh chóng trở thành hot trend với đủ các câu chế phù hợp với từng ngữ cảnh. Tuy nhiên, nó cũng tạo nên làn sóng tranh luận, khen có mà chê cũng không ít.

Trong khi một bộ phận “vỗ tay rần rần”, coi đây là hình mẫu “con ngoan của mẹ” thì một bộ phận khác lại phản ứng ngược lại, cho rằng ca khúc của Đen Vâu đang cổ súy cho lối sống vật chất, coi trọng tiền bạc hơn tình yêu thương. Thậm chí, có người còn gay gắt hơn khi cho rằng ca từ không khác gì một “lời kêu gọi thực dụng”, làm phai nhòa cảm xúc thiêng liêng về tình mẫu tử.

“Mang tiền về cho mẹ” - điều đó có gì sai? Mỗi năm Tết đến Xuân về, tôi (cũng như rất nhiều người khác - tôi tin là như vậy) đều chộn rộn bao điều mong ước, trong đó có ước mong về sự đủ đầy... Những đứa con xa quê ngày trở về mang tiền về cho mẹ không có nghĩa là chỉ mang vật chất về mà còn mang theo cả những yêu thương, ấm áp, cả tấm lòng biết ơn mong báo đáp đấng sinh thành.

Xem MV “Mang tiền về cho mẹ” với nhân vật của ca khúc là một chàng trai xuất thân từ vùng quê nghèo khó, phải bươn chải nơi đất khách quê người… thì ngày trở về “mang tiền về cho mẹ” nó khiến cho người ta cảm thấy trân trọng, xúc động về một hành động biết ơn thực tế, một sự thấu hiểu, sẻ chia của một người con với những nỗi nhọc nhằn của mẹ chứ không phải tạo nên cảm giác về sự thực dụng như ai đó đã bình. “Tiền” ở đây còn là minh chứng cho sự trưởng thành, tự lập của con cái, giúp cha mẹ có thể vững dạ, yên lòng khi nghĩ về con. “Mang tiền về cho mẹ” nhưng cũng không quên “đừng mang ưu phiền về cho mẹ”. Vậy thử hỏi có người mẹ nào lại không vui, không thấy ấm lòng?

Mà thôi, phân tích quá đời như vậy chẳng há lại làm mất đi cái hay, cái tính ước lệ, cái cảm xúc thăng hoa mà nghệ thuật mang lại hay sao? Nhưng vẫn phải nói rằng, âm nhạc là thứ mà mỗi người đều có thể cảm nhận theo một cách khác nhau nhưng cũng đừng vì thế mà tự cho mình quyền phán xét vô lối. Việc suy diễn, áp đặt sự việc theo kiểu “nâng tầm quan điểm”, thậm chí, áp đặt góc nhìn tiêu cực khiến cho hành vi thưởng thức văn hóa nghệ thuật đi theo cách “chẳng giống ai”.

Ở những nền văn hóa phương Tây có sự phân chia rõ ràng 2 dạng văn hóa: có những trào lưu văn hóa chiều theo ý thích số đông, xem số đông là chân lý. Nhưng cũng có một bộ phận trong xã hội - tầng lớp tinh hoa, trí thức - tạo ra và duy trì một chuẩn mực văn hóa giải trí cao cho riêng mình. Những chuẩn mực văn hóa đó đôi khi không chiều theo số đông nhưng là cái tạo nên sự văn minh trong xã hội.

Nhiều nghệ sỹ tạo ra những sản phẩm giải trí định hình nên nhân cách xã hội đó. Đó có thể là một bộ phim, bài hát đề cao sự hy sinh, cống hiến. Hãy nhớ lại câu chuyện mà đạo diễn James Cameron kể trong Titanic: những người giàu nhất thế giới khi tàu chìm vẫn tự nguyện nhường lại xuồng cứu hộ cho người già, phụ nữ và trẻ em, chấp nhận cái chết được định sẵn để giữ gìn phẩm giá cao quý của mình.

Quay trở lại câu chuyện ca khúc của Đen Vâu. “Mang tiền về cho mẹ”, kể cả nghĩa đen và nghĩa bóng, là một hành động đẹp của một người con hiếu thảo và chẳng có lý do gì để phải nghi ngờ việc này. Với tôi, chẳng phải vì những nhận định trái chiều về ca khúc mới của anh mà làm tôi thay đổi đánh giá rằng, chính những nghệ sỹ như Đen đã góp phần định hình và lan tỏa những điều tốt đẹp cho xã hội thông qua những sản phẩm âm nhạc có cá tính.