Mấy ngày nay, mạng xã hội lan truyền dữ dội video nữ sinh hỗn hào với thầy giáo. Báo chí vào cuộc với những diễn biến của vụ việc, từ thông tin nữ sinh phải nghỉ học tại nhà vì sốc tâm lý đến cách xử trí của nhà trường, của Sở…

Nhưng không ai biết tâm lý của thầy giáo thế nào khi tình huống trong lớp học bị cả xã hội đánh giá, phán xét. Thầy có sốc, có đau khổ khi bạn bè, người thân và cả những người không quen biết thấy được một tình huống (có thể là cá biệt) khi đứng trên bục giảng mà bị trò văng tục, xưng hô mày tao? Ở nhà con cái hỗn hào, cha mẹ xấu hổ với hàng xóm thế nào thì tôi tin, thầy giáo bị học trò hỗn hào cũng xấu hổ như thế.

Thầy sai hay đúng, cần xem xét, đánh giá, rút kinh nghiệm hay có kỷ luật thì phải được cân nhắc bởi những người có trách nhiệm trong môi trường giáo dục đó chứ không phải bởi cả xã hội. Và dù thầy sai đúng thế nào, việc học trò hỗn hào với thầy cô là không thể chấp nhận. Nếu một môi trường giáo dục thiếu kỷ cương, thiếu sự nghiêm minh, rạch ròi giữa sai và đúng, tôn trọng những giá trị về đạo đức thì sẽ khó cho “ra lò” những thành viên biết tuân thủ pháp luật và duy trì những nền tảng đạo đức phổ quát của xã hội.

Trở lại câu chuyện của thầy giáo ở Khánh Hòa, Hiệu trưởng nhà trường đã có tâm thư, trong đó có bày tỏ các em học sinh như những cây măng, khó có thể chịu "sức gió như bão của dư luận" và lo lắng "không hình dung được những cây măng này sẽ gãy đổ ra sao!”.

Nhận trách nhiệm giáo dục về nhà trường, thầy Hiệu trưởng cũng viết những lời nhân văn “chúng tôi mong muốn mọi người cùng đồng hành và chia sẻ cùng nhà trường giáo dục những em học sinh chưa ngoan, để các em tốt hơn khi rời khỏi ghế nhà trường".

Sự nhân văn trong môi trường giáo dục là điều cần phải có nhưng nó không nên chỉ dành riêng cho học trò mà cho cả những người thầy. Làm sao để họ đứng trên bục giảng mà không phải canh cánh nỗi lo mọi cử chỉ đều bị quay, chụp và phán xét bởi toàn xã hội? Làm sao khi sự việc xảy ra họ sẽ được bảo vệ quyền riêng tư, cái tôi, lòng tự trọng của nhà giáo và họ được xử trí công bằng chứ không phải bị mang ra “đấu tố” trước các hội đồng?

Một chuyên gia làm trong ngành giáo dục đã nói, thầy cô bây giờ có một hội chứng tâm lý mà ông tạm gọi là “tự vệ nghề nghiệp”. Họ thu mình và chọn cách an toàn khi đứng lớp, không mắng mỏ, không nặng lời thậm chí “vô cảm” trước các hành vi của học trò.

Từ bao giờ họ trở thành “máy dạy” và đánh mất đi phẩm chất “nhà sư phạm” cần có của mỗi người thầy? Từ bao giờ nghề giáo trở thành “nghề nguy hiểm”?

Đây mới là điều đáng lo ngại về lâu dài chứ không dừng lại ở bất cứ một vụ việc đơn lẻ nào. Khi “dạy chữ” không còn đi kèm với “dạy người”, sẽ là thảm họa không chỉ với từng gia đình học sinh mà với toàn xã hội.

Việc giáo dục đạo đức, kỷ cương trong nhà trường luôn đặc biệt quan trọng, nhưng để nó hiệu quả và không hình thức, cần có sự công tâm với chính những người thầy.