Những ngày qua, dư luận lại bức xúc khi hình ảnh các streamer và cả người hiếu kỳ đã gây náo loạn khi chen lấn, xô đẩy, thậm chí còn trèo lên mộ người đã khuất để livestream, ghi hình nghệ sĩ tại đám tang NSƯT Vũ Linh. Điều đáng nói đây không phải trường hợp cá biệt, rất nhiều đám tang của các nghệ sĩ khác cũng cùng chung cảnh ngộ. Bất kể với lý do gì thì đó đều là những hành vi không thể chấp nhận, không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng, thiếu đồng cảm, sẻ chia nỗi đau với gia đình người đã khuất mà còn là sự vô văn hóa, rất đáng lên án.

Xem ra người dùng mạng xã hội ở nước ta quá dễ dãi, nên những nội dung “rác” như thế này mới có “đất sống”, nếu không muốn nói là mỗi ngày thêm nở rộ. Bằng chứng là các video kiểu này luôn thu hút lượng lớn người xem, từ vài ngàn đến vài chục ngàn thậm chí còn hơn thế, tốc độ lan truyền thì gia tăng một cách chóng mặt. Vì like, vì view và vì rất nhiều thứ khác, các YouTuber, Facebooker, TikToker có thể làm mọi thứ, chen lấn xô đẩy, “dọn chỗ” bất chấp để livestream, rồi cười đùa rôm rả, hô vang tên nghệ sĩ nổi tiếng đến viếng - một sự phấn khích rất vô văn hóa trong không khí trang nghiêm, kính cẩn của một tang lễ. Buồn thay!

Trở lại với lễ tang NSƯT Vũ Linh, trong một clip được đăng tải ngay sau đó, cư dân mạng không khỏi xót xa, phẫn nộ khi chứng kiến cảnh các streamer còn giẫm đạp lên nhiều ngôi mộ xung quanh để "tiện bề" livestream. Như mộ phần của NSƯT Thanh Kim Huệ ở ngay cạnh đó cũng bị hư hại, phần mái trên mộ bị gãy, hỏng... Sự vô cảm, vô văn hóa đến mức bất chấp ấy đã khiến nhiều người phát sợ. Điều này cũng cho thấy sự “lệch chuẩn” trong cách ứng xử của một bộ phận người dân. Một sự thiếu chuẩn mực của hành vi xã hội khi người ta chẳng để ý gì đến cảm xúc, đến hoàn cảnh và những gì đang diễn ra xung quanh, chỉ vì câu like, câu view.

Mới đây, những người yêu nghệ thuật lại chứng kiến sự ra đi của một nghệ sĩ gạo cội - NSND Diệp Lang. Gia đình nghệ sĩ đã không hề giấu giếm khi bày tỏ mong muốn “tang lễ được diễn ra trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh, không có sự hoạt động của đội ngũ YouTuber, TikToker”. Một mong muốn có lẽ khiến bất cứ ai trong chúng ta cũng phải suy ngẫm.

Người Việt ta có câu “không ai chê đám cưới, không ai cười đám tang”, thể hiện nét đẹp của người Việt Nam trong hành vi ứng xử với những hoàn cảnh đặc biệt. Khi nhà người khác có đám tang thì đó là một nỗi đau và mất mát rất lớn, nên việc chúng ta đến chia sẻ hay đơn giản là chúng ta đi ngang qua cũng nên cúi đầu chào vĩnh biệt lần cuối, điều này thể hiện nét văn hóa cũng như hành vi chuẩn mực trong đạo đức của người Việt. Một điều tưởng chừng rất đỗi giản đơn mà giờ xem ra thật quá khó với không ít người.