“Đầu năm đi lễ cầu an”… Chẳng biết từ bao giờ, đó đã không chỉ đơn thuần là một thói quen, một sở thích, mà còn là nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh ý nghĩa với rất nhiều người Việt.

Đi lễ đầu năm, mỗi người đều mong cầu, gửi gắm những ước nguyện của riêng mình, cầu cho sức khỏe, bình an, may mắn, tài lộc... Các lễ hội vì thế mà trở nên sôi động hơn, cửa đình-chùa cũng thêm phần tấp nập.

Nhưng, cũng chẳng biết từ bao giờ, chốn linh thiêng thờ tự bỗng trở thành nơi dung dưỡng cho các hoạt động mê tín dị đoan. Người ta kéo nhau lên chùa, chen lấn xô đẩy tại các lễ hội, sắm sửa lễ to, vật lớn… nghĩ như vậy mới là thành kính, mới được thánh thần “rộng đường soi xét”. Để rồi, rất nhiều hoạt động tâm linh đã bị biến tướng một cách méo mó, phản cảm, từ xin xăm (rút quẻ), hái lộc, cúng sao giải hạn, đến vấn nạn “buôn thần, bán thánh”, mê tín dị đoan...

Vẫn biết, ranh giới giữa tâm linh và mê tín nhiều khi mong manh, khó phân định. Chỉ có điều đã là tâm linh thì không thể vụ lợi, không có chuyện đổi chác, bán mua. Nhưng buồn thay, những biểu hiện lệch lạc trong đời sống văn hoá tâm linh ấy lại không phải thuộc số ít, thậm chí phổ biến ở ngay cả một bộ phận dân cư có trình độ dân trí cao, đời sống kinh tế khá giả.

Cuộc sống mỗi người - thành hay bại, tốt hay xấu đều do bản thân mình là chính. Không biết tu tâm dưỡng tính, làm ăn lương thiện, không biết cố gắng và nỗ lực học hỏi mỗi ngày mà chỉ trông chờ, phó thác cho trời phật thì trời phật nào có thể “độ” nổi?

Mới nói, sống ở đời cốt là cái tâm. Sự thành tâm ở mỗi người còn lớn hơn ngàn vạn lần những lễ lạt, cúng bái cao siêu. Có điều kiện, thảnh thơi tới đền chùa chiêm bái được là tốt, bằng không, ta cứ lòng thành, tự mình thức tỉnh đời sống tâm linh theo cách của riêng mình.

“Phật tại tâm” - đó chẳng phải là giáo lý nhà Phật xưa nay hay sao?