Tôi đã từng đi sĩ quan dự bị, từng được đứng dưới lá quân kỳ đọc lời thề, cảm giác lúc đó không phải chỉ riêng tôi, mà tất cả anh em trong đơn vị đều thấy đó là giờ phút thiêng liêng, mình cần phải có trách nhiệm bảo vệ lá quân kỳ, bảo vệ tổ quốc Việt Nam.

Gần một thế kỷ bão táp, lá quốc kỳ và quân kỳ dẫn đầu, đưa dân tộc Việt Nam trải qua những sấm sét của lịch sử và bão táp của thời đại, vượt qua thác ghềnh nước ngàn, đấu tranh dũng cảm để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.

Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng.

Quân kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng có thêu chữ vàng QUYẾT THẮNG.

Trong những thời khắc của lịch sử, cụ thể là từng cuộc chiến tranh, lá quân kỳ có sự thay đổi, cụ thể như quân kỳ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là cờ tổ quốc in dòng chữ “Quyết chiến - Quyết thắng”.

Mọi lực lượng vũ trang trên thế giới đều có cờ riêng, cờ đó gọi là quân kỳ, hay nôm na là cờ chiến. Đối với một quân đội, quân kỳ tương đương với linh hồn của quân đội, biểu tượng của danh dự và tính kế thừa. Các quốc gia đều coi trọng quân kỳ cao hơn tính mạng.

Trong các cuộc chiến, khi cấp trung đoàn bị xoá sổ, hoặc chỉ cần nguy cơ bị xoá sổ thì quân kỳ sẽ được mang ra đốt, binh sĩ sẽ đứng nghiêm trang chào lá cờ đang cháy rực lửa. Nếu để lá cờ rơi vào tay địch, thì đó là nỗi nhục nhã xấu hổ, vì thế mà trong Chiến tranh Thế giới 2, Mỹ cùng đồng minh Anh, Liên Xô và Trung Quốc không thu được lá quân kỳ nào của Nhật Bản.

Tất cả các quân đội đều tuyệt đối bảo vệ quân kỳ. Lá quân kỳ luôn được trao cho một sĩ quan xuất sắc bảo vệ. Quá trình tuyển chọn sĩ quan bảo vệ quân kỳ đặc biệt nghiêm ngặt, thông thường phải qua ba vòng, từ ngoại hình cho đến tác phong nội vụ, phẩm chất đạo đức, kĩ năng chiến đấu và những thành tích vẻ vang từng đạt; người được chọn giữ quân kỳ sẽ rất vinh dự.

Vì thế mà quân kỳ hay những lá cờ chiến khác luôn đảm bảo lành lặn, sạch sẽ, chứ không thể như lá cờ rách te tua trong bức tranh “Điện Biên Phủ”.

Điều tôi muốn nói nữa là về người chiến sĩ Điện Biên.

Bố tôi sinh năm 1920, cụ khai thụt 6 tuổi để xung phong đi bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng vì không đủ chiều cao và cân nặng nên bị loại. Cụ rất khoẻ. Những người to lớn trong làng vẫn bị cụ đánh đổ. Trượt nghĩa vụ quân sự cụ xung phong đi dân công hoả tuyến. Cô ruột tôi làm diễn viên văn công, đáng lẽ được phục vụ ở Điện Biên, nhưng cũng vì cô nhỏ bé mà chỉ được biểu diễn văn nghệ phục vụ dân công nơi bố tôi vận tải.

Tiêu chuẩn chọn lính chưa bao giờ đơn giản. Có nghĩa là người trúng tuyển nghĩa vụ quân sự phải có thể lực rất tốt. Có thể nói, ngoại hình và thể lực, cùng với phẩm chất của người chiến sĩ Điện Biên, thời kỳ đó là chuẩn mực không thể chuẩn mực hơn, Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn có quyền tự hào so sánh với bất kỳ lực lượng vũ trang nào trên toàn thế giới.

Có nhiều yếu tố quyết định sức mạnh của quân đội.Trong đó có ba yếu tố then chốt, là binh lương đầy đủ, y tế đảm bảo, kỷ luật sắt đá. Có nghĩa là, công tác hậu cần cấp dưỡng cho Điện Biên Phủ có thể rất khó khăn thiếu thốn, nhưng về cơ bản người lính tham chiến ở mặt trận Điện Biên Phủ không đói khát đến nỗi như vậy.

Hãy xem lại hình ảnh tư liệu ngày Điện Biên Phủ được giải phóng điểm quân ở ngay chính lòng chảo, ngày đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản thủ đô, rồi xem lễ duyệt binh đầu tiên vào ngày 1 tháng 1 năm 1955 sẽ thấy kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam như thế nào. Trong chiến trường ác liệt, dù phải chiến đấu ngủ hầm hào nhưng vẫn đúng giờ, sáng dậy phải gấp chăn vuông như viên gạch, tác phong nội vụ chuẩn mực. Quân phục chiến đấu là cực kỳ quan trọng, trước khi ra trận, người chỉ huy đều chỉnh đốn hàng ngũ, hô khẩu lệnh đứng nghiêm, chỉnh đốn quân trang quân phục, sau đó mới nghe mệnh lệnh, làm gì có chuyện ăn mặc rách rưới bôi nhếch.

Nếu không tích luỹ những kiến thức lịch sử, chỉ cần seach google sẽ ra vô vàn những bức ảnh của các nhiếp ảnh gia cả phía ta và phía tây, sẽ thấy ngay hình ảnh bộ đội Việt Nam rất rắn rỏi, khuôn mặt cương nghị và phúc hậu, tự tin và anh dũng. Những người chiến sĩ Điện Biên đó dứt khoát không phải là những người ốm yếu gày gò xấu xí như ma đói, dù có bị sốt rét rừng hay gì gì đi chăng nữa.

Tôi cũng như các bạn, nhiều người có ông, cha, chú bác, anh em là chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nay nhìn vào bức tranh này chắc chắn hiếm có người đồng tình, trừ những ai không có trái tim và khối óc mà chỉ có những ẩn ức vong nô chất chứa trong lòng. Tôi không hiểu ý tưởng thâm thuý cao siêu của người vẽ bức tranh, mà chỉ công nhận bức tranh này người vẽ rất khéo tay, bỏ ra nhiều công sức và cầu kì, nhưng khi nhìn vào nó tôi cứ tưởng đó là trận Waterloo.

Trong mỗi cuộc chiến tranh, máu của người chiến sĩ yêu nước nhỏ xuống để bảo vệ và tô thắm lá quân kỳ, nó sẽ nảy mầm thành cây của tự do.