Trong các ngày 27 và 28 tháng 8 vừa qua ở trường mầm non Hoàng Liệt quận Hoàng Mai, Hà Nội đã diễn ra việc bốc thăm “trúng, trượt" của phụ huynh giành suất học cho con. Việc “bốc thăm" ở trường mầm non Hoàng Liệt diễn ra rất đúng quy trình. Vòng một bốc tham để lấy số thứ tự, sau khi đảm bảo đã tham gia vòng một, phụ huynh dùng số thứ tự này bốc thăm phiếu tuyển sinh. Các phiếu hợp lệ là phiếu có đầy đủ xác nhận của trường mần non Hoàng Liệt. Có 2 loại phiếu với nội dung khác nhau, phiếu trúng tuyển in chữ “Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường", ngược lại phiếu không trúng tuyển sẽ in dòng chữ “Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường".

Vừa vào năm học mới, vụ việc 700 phụ huynh đã phải tham gia “bốc thăm" để giành suất học vào trường mầm non công lập ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã làm cho dư luận hết sức bức xúc. Nhưng suy đi nghĩ lại thì thực trạng này không phải lỗi ở ngành giáo dục mà cực chẳng đã nhà trường mới đành phải bày ra hình thức bốc thăm may rủi chứ thầy cô nào cũng ngậm ngùi khi học sinh nào cũng muốn được đi học mà lại phải nhận em này, từ chối em kia chỉ vì kết quả in rõ ràng, minh bạch trong tờ giấy bốc thăm.

Nếu là thi cử tài năng, kiến thức, là đo nghiệm ( như cách làm của trường Thực nghiệm, Hà Nội ) khi tuyển sinh thì việc đỗ hay trượt, buồn hay vui sẽ đi một nhẽ. Đằng này nỗi khát khao của những đứa trẻ, niềm háo hức đầu đời bén duyên với giáo dục bị chặn đứng bởi cuộc bốc thăm “may rủi" này khiến cho bất cứ ai cũng cảm thấy nghẹn lòng. Rồi từ chỗ ông bà, bố mẹ, bản thân bé háo hức, lo lắng, hồi hộp rồi thất vọng … Chuỗi cảm giác ấy kéo dài như hệ lụy sẽ ảnh hưởng thế nào đến một đứa trẻ tinh khôi?

Đi học là quyền của mọi đứa trẻ, thứ quyền được Pháp luật thừa nhận vậy tại sao bạn A được đi, còn bạn B lại không được vào học? Chỉ vì tờ phiếu bốc thăm may rủi kia sao?

Đành rằng rồi bố mẹ những cháu bé không may mắn bốc được phiếu “trúng" sẽ tìm mọi cách để con mình được đi học ở trường này, quận kia, công lập không được thì dân lập nhưng nỗi uất ức không đáng này thật khó nguôi quên, thậm chí nếu không khéo nó còn là nỗi ám ảnh lâu dài vì sự “không may" trên con đường học vấn của con trẻ.

Chuyện dân số gia tăng ở các thành phố, các khu đô thị lớn là điều đã được cảnh báo vài chục năm trước. Dân số tăng đồng nghĩa với các yêu cầu về trường học, bệnh viện, chợ búa cũng cần phải được xây thêm. Nhưng trên thực tế, những công trình nhà ở cứ tăng theo cấp số nhân còn các dịch vụ tiện ích bảo đảm an sinh xã hội thì cứ rơi vào tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi"!

Quyền được bình đẳng, quyền được đi học được quy định trong Hiến pháp thì những giải pháp đồng bộ cần được nghiêm túc thực thi để tránh tình trạng việc đi học đầu đời của trẻ em phải chấp nhận những cuộc bốc thăm "may rủi"!