Câu chuyện gây sốc về hơn 320.000 bao cao su đã qua sử dụng đang được tái chế tại một khu nhà trọ ở tỉnh Bình Dương khiến không chỉ dư luận trong nước dậy sóng mà còn nổi tiếng tại nhiều quốc gia với một lượng view khủng và những bình luận đầy hài hước mà sâu cay: “Một sáng kiến thân thiện với môi trường…nhưng sức khỏe của cộng đồng thì “mặc bay”….hay “ngành công nghệ tái chế đã tạo nên kỳ tích…”

Sự lên đồng của cộng đồng mạng về câu chuyện “có một không hai”, ngoài sức tưởng tượng này chưa kịp lắng xuống thì ngay lập tức nhiều người đã kịp nhận ra sự phi lý đến nực cười của vụ việc. Thử hình dung các công đoạn, từ lúc nhặt “nó” ở các bãi rác, gom lại một chỗ, lựa cái còn lành lặn, rồi súc, rồi rửa, rồi phơi khô, rồi dùng dương vật giả để vuốt lại và tạo hình như lúc mới phải mất nhiều công sức và thời gian thế nào. Đó là chưa kể, đặc tính của cao su khi đã qua sử dụng thì khó mà co lại được như ban đầu. Còn nữa, bằng cách nào mà chỉ trong 1 tháng các đối tượng có thể “nhặt” tới hơn 300.000 bao, mà lạ ở chỗ cái nào cũng giống cái nào, y như cùng một lò mà ra vậy. Nhiều người đã làm rõ cái sự phi lý ấy bằng một phép tính. Cứ cho quy trình để tái chế 1 chiếc bao mất 2 phút thì 1 tiếng sẽ được 30 cái, 1 ngày làm việc trung bình 8 tiếng như viên chức thì cũng chỉ làm được trên dưới 250 bao, vị chi mỗi tháng 30 ngày không nghỉ, một người giỏi lắm cũng chỉ tái chế được hơn 7.000 bao. Vậy để tái chế được 320.000 bao cao su trong 1 tháng thì phải cần tới 40-45 lao động. Nói thế để thấy chi phí phải trả cho 1 bao cao su “tái chế” cao đến thế nào. Trong khi giá trị 1 lô hàng bao cao su mới tinh, giá bình dân chắc chỉ 1/50 thậm chí 1/100 so với “tái chế”. Vậy tại sao lại cứ phải là tái chế, dù hành vi ấy ai cũng nhận thấy là phi thực tế? Xin thưa, tái chế, xử phạt hành chính là xong, còn tội làm hàng giả, hàng nhái, chưa kể là buôn lậu, tùy vào giá trị của lô hàng có thể bị phạt tù từ 5-20 năm.

Theo thông tin từ lực lượng quản lý thị trường, bà Phạm Thị Thanh Ngọc, người phụ nữ bị Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương bắt quả tang cùng với 320.000 bao cao su khai nhận, mỗi tháng một lần, bà nhận bao cao su đã qua sử dụng từ một người tên là T., ngụ tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng gọi điện vào số điện thoại của ông T. nói trên thì không liên lạc được. Hiện nay, bà Ngọc cũng không còn ở khu nhà trọ nữa vì vậy, công an đã vào cuộc để xác định danh tính những người liên quan cũng như nguồn gốc lô bao cao su được tuyên bố là đã qua sử dụng nói trên.

Dù các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra, làm rõ, nhưng do sự mập mờ của vụ việc đã làm dấy lên trong dư luận một sự hoài nghi, có hay không một vấn đề mờ ám liên quan đến phát ngôn của lực lượng quản lý thị trường, thậm chí liệu có hay không sự “tiếp tay” của lực lượng chức năng trong việc đánh tráo khái niệm giữa “tái chế” với làm hàng giả, hàng nhái thậm chí là buôn lậu? Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh từng nhận định, hàng giả, hàng nhái và tình trạng buôn lậu có được đất sống là nhờ sự tiếp tay của lực lượng chức năng tại nhiều địa phương. Đây là một thực tế!

Có thể nói, Việt Nam là một trong không nhiều các quốc gia trên thế giới có hẳn cơ quan quản lý thị trường, có lực lượng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại hùng hậu. Ở các địa phương có quản lý thị trường, có cảnh sát kinh tế, còn ở Trung ương có Ban Chỉ đạo 389 về phòng chống gian lận thương mại và buôn lậu. Với một bộ máy đồ sộ như thế, có lẽ chẳng ai dám mạnh mồm than “thiếu nhân lực” nữa. Cái mà chúng ta thiếu chính là đạo đức nghề nghiệp, là cái tâm, cũng như nguồn lực thực thi công vụ.

Quay lại chuyện “320.000 bao cao su tái chế”, dư luận đang mong chờ một động thái quyết liệt từ phía cơ quan chức năng trong việc làm sáng tỏ vụ việc đầy tai tiếng này. Bởi đây không chỉ là chuyện bao cao su là hàng giả, hàng nhái, là buôn lậu hay “tái chế” mà còn là hình ảnh méo mó về đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, là niềm tin của người dân với cơ quan thực thi pháp luật. Nếu bao cao su không được tái chế, thì việc tái chế nếu cần –chính là tái chế lại lực lượng quản lý thị trường, để lực lượng này có thể sử dụng được đúng với chức năng và nhiệm vụ của mình.

(NHÓM PV XÃ HỘI - VOV2)