Hôm qua (29/11), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 2 môn thi bắt buộc và 2 môn thi tự chọn (2+2).

Phương án thi vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ, những băn khoăn về môn nào bắt buộc, môn nào lựa chọn, cách thức xây dựng ngân hàng đề thi theo hướng đánh giá năng lực, phẩm chất người học như thế nào?... Nhưng cơ bản phương án này nhận được nhiều sự đồng thuận của xã hội so với hai phương án còn lại (3+2 hoặc 4+2).

Cụ thể, thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Đồng thời nội dung thi bám sát yêu cầu cần đạt về năng lực và kiến thức chủ yếu của lớp 12 trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Việc môn Ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc, việc môn Lịch sử dù là môn học bắt buộc nhưng không phải là môn thi bắt buộc khiến nhiều người cho là không thoả đáng, là bước thụt lùi, không theo xu thế hội nhập hoặc không coi trọng lịch sử dân tộc...

Quả đúng, giáo dục Việt Nam vẫn đang tồn tại thực tế: "Không thi thì không học" hay "học là để thi" thì việc Ngoại ngữ, Lịch sử không phải là môn thi bắt buộc khiến nhiều người lo lắng cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng đánh giá chất lượng giáo dục, đánh giá chất lượng học sinh nếu chỉ dựa vào một kỳ thi thì Việt Nam sẽ mãi khó thoát khỏi nền giáo dục khoa cử, ứng thí - một nền giáo dục chạy đua ôn luyện, học thêm, học tủ, học vẹt, thành tích, điểm số...

Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học và giáo dục phổ thông được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Với cách tiếp cận này thì giáo dục phổ thông phải làm tốt nhiệm vụ phát triển năng lực, phẩm chất người học đồng thời tôn trọng sự lựa chọn, sở thích của học sinh trên cơ sở định hướng nghề nghiệp chứ không phải tập trung nặng nề vào đổi mới thi cử, thi bao nhiêu môn, môn nào bắt buộc, môn nào lựa chọn!

Việc giới hạn các môn thi cũng đồng nghĩa với việc giới hạn các tổ hợp xét tuyển - vốn bùng nổ trong suốt 3-4 năm qua, khiến việc tuyển sinh đại học thêm phức tạp, thiếu sự công bằng giữa các tổ hợp. Giờ đây việc thí sinh chỉ có thể sử dụng 1-2 tổ hợp xét tuyển gần như đã quay trở lại cách xét tuyển cũ với các khối xét tuyển truyền thống. Tuy nhiên suy cho cùng, một ngành học cũng chỉ cần xét tuyển 1-2 tổ hợp (khối thi) là đủ đồng thời buộc các trường phải chủ động hơn trong phương thức xét tuyển, giảm sự phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đây cũng là xu thế tự chủ đại học mà Bộ GD-ĐT cũng như các cơ sở giáo dục đại học mong muốn thúc đẩy.

Những năm gần đây, đâu đó vẫn xảy ra hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp; Đâu đó vẫn tồn tại hiện tượng nâng điểm, chạy điểm làm đẹp học bạ và đâu đó vẫn xảy ra hiện tượng gian lận thi cử... Điển hình nhất là vụ gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018, vụ lộ đề thi môn Sinh học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 khiến hai cựu giảng viên lĩnh án. Những gian dối trong học tập, thi cử mới thực sự là vấn đề của giáo dục khiến xã hội, dư luận âu lo.

Vậy nên, điều quan trọng là học phải thật và thi phải thật. Nếu chúng ta thực sự có một nền giáo dục "thật" thì lo gì việc thi mấy môn, môn nào bắt buộc, môn nào lựa chọn?