Cách đây ít hôm, tại hội nghị Giáo dục đại học năm 2021, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Kim Sơn có nhấn mạnh, tự chủ đại học chỉ đầy đủ và có chiều sâu khi người thầy, nhà khoa học phải thực sự là chủ thể. Tiếng nói người thầy, nhà khoa học, chuyên gia phải trở thành tiếng nói quan trọng trong quản trị, vận hành cơ sở giáo dục đại học.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đi thẳng vào vấn đề cốt lõi của tự chủ đại học. Bởi tự chủ không đơn thuần là tự chủ về tài chính, tự chủ bộ máy, nhân sự và quyền được ban hành các quyết định hành chính. Dĩ nhiên, điều đó cũng rất quan trọng để một cơ sở giáo dục đại học phát triển, không bị bó buộc và bị chi phối quá lớn từ cơ quan quản lý.

Nhưng như một vị Giáo sư uy tín của ngành giáo dục từng nói, nếu làm không khéo, quá trình tự chủ đại học là quá trình đòi quyền về cho Hiệu trưởng, là “tự chủ” cho lãnh đạo trường đại học.

Bản chất của tự chủ đại học là phải mang tự chủ đến cho chính người thầy, giảng viên, nhà khoa học và rộng hơn là các chuyên gia của các trường đại học. Người thầy, nhà khoa học phải có môi trường sáng tạo thuận lợi nhất. Được tự do nghiên cứu và phán đoán các xu thế phát triển. Tiếng nói của người thầy phải được tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu.

Khi tiếng nói được tôn trọng, được giải phóng tư tưởng, được trao quyền tự chủ, người thầy có thể năng động nghĩ ra cái mới, có những đột phá về phương pháp đào tạo, nghiên cứu khoa học và từ đó giáo dục có thể dẫn dắt được sự phát triển của xã hội.

Giá trị tiếng nói người thầy, nói rộng hơn, không chỉ ở môi trường đại học mà còn ở tất cả các cơ sở giáo dục phổ thông. Điều lệ trường tiểu học, THCS-THPT mới đều nói đến việc người thầy được trao quyền tự chủ về chuyên môn, được linh hoạt sáng tạo về nội dung, phương pháp dạy học.

Chấm dứt sự áp đặt chuyên môn, phương pháp dạy học cụ thể một cách chủ quan từ cấp trên với giáo viên và các trường, từ đó giúp cởi trói, khuyến khích giáo viên sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp của mình.

Nhưng thực tế, đã có bao nhiêu cơ sở giáo dục cả đại học và phổ thông thực sự lắng nghe trọn vẹn tiếng nói người thầy? Đã có bao nhiêu trường học trao quyền tối cao cho giáo viên để họ được tự do sáng tạo đối với chính công tác chuyên môn của mình?

Có bao nhiêu giáo viên thực sự được cởi trói trước cung cách quản lý rập khuôn, máy móc, những mệnh lệnh hành chính cứng nhắc? Và tiếng nói của họ đang được đặt ở đâu trong quá trình vận hành và quản trị các cơ sở giáo dục?

Nhìn lại những thất bại của giáo dục trong quá khứ như triển khai mô hình trường học mới VNEN, đề án nghìn tỉ ngoại ngữ 2020 hay những thiếu sót, hạn chế khi đổi mới thi cử, chương trình, sách giáo khoa… ít nhiều do tiếng nói của giáo viên, của người trong cuộc chưa thực sự được lắng nghe, thấu hiểu.

Xã hội đặt lên vai người thầy nhiều sứ mệnh: Người thầy phải là tấm gương học tập suốt đời; Người thầy phải là nhà giáo dục chuyên nghiệp; Người thầy là nhà nghiên cứu thực hành... Nhưng người thầy chỉ có thể hoàn thành tốt sứ mệnh được xã hội trao gửi khi tiếng nói của họ được đặt đúng tầm trong quản trị và vận hành trường học.