Tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tổ chức cuộc gặp gỡ giáo viên cả nước. Trong hàng nghìn câu hỏi từ giáo viên đã được tập hợp ngay trước đó, có 2 nghìn ý kiến đề nghị xem xét về vấn đề lương bổng, chế độ cho giáo viên quá thấp, khiến nhiều người bỏ nghề hoặc phải làm thêm để sống.
Thực tế, tính đến tháng 9 năm nay, toàn quốc có hơn 17 nghìn giáo viên nghỉ, chuyển việc.
Trong số đó, nhiều người có hàng chục năm gắn bó với nghề giáo đã “dứt áo ra đi” vì mức lương thấp so với mức sống của toàn xã hội, thậm chí không đủ sống dù có bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ trong khi áp lực công việc lại nặng nề.
Đặc biệt, giáo viên mầm non làm việc 10-11 tiếng một ngày, áp lực, trách nhiệm cao nhưng lương thấp nhất trong các bậc học. Niềm “yêu trường mến trẻ” không còn đủ sức níu kéo những nhà giáo vốn tâm huyết với nghề.
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhiều lần kiến nghị về việc tăng lương và tăng phụ cấp cho nhà giáo, coi đó là giải pháp cấp bách để giữ chân nhà giáo và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Theo thống kê, số giáo viên đang thiếu trên cả nước lên tới hơn 100 nghìn trong bối cảnh ngành đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 1/11 vừa qua, đại biểu Hà Ánh Phượng cũng nhắc lại yêu cầu trong Nghị quyết 29 Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đó là quy định lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp theo tính chất công việc, vùng miền. Tuy nhiên, thực tế 10 năm qua, lương và thu nhập nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có người không đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Muốn giáo viên tâm huyết với nghề, nỗ lực để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và nghề giáo đứng đúng vị trí là nghề cao quý, trước hết, giáo viên phải đủ sống, không cảm thấy “tủi” khi nghĩ về nghề.
Mới đây, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ có sự thống nhất dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi lên 10% với giáo viên mầm non và 5% đối với giáo viên tiểu học. Đây là tin vui những cũng chỉ là biện pháp tạm thời trước khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội lộ trình cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo Nghị quyết 27, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024 tới đây. Khi đó, lương giáo viên cũng như các ngành khác sẽ được trả theo vị trí việc làm và đảm bảo không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Nói một cách công bằng, ngành nghề nào cũng có đóng góp, sứ mệnh riêng và không ít ngành vất vả, khó khăn, độc hại.
Nhưng khi trả lương theo vị trí việc làm, cách nào để giáo viên được trả lương đủ sống và tương xứng với đặc thù, tính chất cũng như sứ mệnh riêng của nghề giáo?
Với từng vị trí việc làm trong ngành giáo dục, làm sao để được hưởng lương, phụ cấp tương xứng với công sức đóng góp cũng như đủ sức hấp dẫn để những người giỏi không phải day dứt khi lựa chọn gắn bó với nghề?.
Đó chắc chắn sẽ là những điều phải được tính đến, bởi “có thực mới vực được đạo”, nghề giáo cần đủ sống trước khi được tôn vinh là nghề cao quý.