Bạn nam trẻ tuổi viết thư đến chương trình vì đã chẳng thể chịu nổi áp lực nặng nề từ phía bố mẹ:

Em năm nay 18 tuổi, đang học lớp 12 và là con lớn trong nhà. Nhà em ở thị trấn huyện khá sầm uất. Bố em làm trong một cơ quan nhà nước, còn mẹ em đang đi xuất khẩu lao động. Dù ở nước ngoài nhưng mẹ em hay gọi điện về và rất quan tâm đến việc học hành của chúng em. Mẹ em bảo rằng ngày xưa, mẹ không được học hành đến nơi đến chốn nên thiệt thòi hơn những người bạn cùng trang lứa. Vì thế, mẹ muốn anh em em học thật tốt để bố mẹ nở mày, nở mặt với hàng xóm, làng giềng, cũng coi như hoàn thành ước mơ thay mẹ. Bố em cũng thường xuyên nhắc nhở 2 đứa phải cố gắng học để không phụ công mẹ đi xa nhà, làm lụng vất vả, kiếm tiền nuôi con. Thương bố mẹ nên 2 anh em em luôn cố gắng học tập thật tốt nhưng thời gian gần đây em cảm thấy bị áp lực và chẳng biết phải vượt qua như thế nào.

Từ nhỏ em đã có sức học tốt, cũng thường xuyên tham gia vào đội tuyển thi học sinh giỏi của lớp, của trường. Lên cấp 3, em đỗ vào lớp chọn và còn được cử đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh 2 năm liên tiếp. Vốn tính tình hoạt bát, lại có kết quả học tập tốt nên em cũng được các bạn quý mến, bầu làm cán bộ lớp và tham gia rất nhiều phong trào văn thể mỹ của trường. Bố mẹ em rất tự hào và luôn lấy em ra làm gương, nhắc nhở em út phải nhìn anh mà học tập. Nhưng càng ngày em càng thấy niềm tự hào mà bố mẹ dành cho mình dần trở thành áp lực dồn lên vai em. Lúc nào bố mẹ cũng bảo em phải làm gương cho em út, bảo em phải cố gắng học thật giỏi để bố mẹ nở mày nở mặt với người ta. Em đã quá chán khi phải nghe quá nhiều những lời dặn dò, nhắn nhủ kiểu như thế. Em chẳng muốn “làm gương” 1 chút nào, em muốn bố mẹ cứ để em tự nhiên, tự cố gắng trước hết là vì chính mình, chứ không phải lúc nào và làm gì cũng phải nghĩ mình làm anh, làm gương cho các em soi vào như điều mà bố mẹ vẫn hay nói. Em đã có lần góp ý với bố và mẹ nhưng có vẻ bố mẹ không hiểu những điều em muốn nói, không hiểu những áp lực mà em đang phải chịu đựng, mà cứ tiếp tục đặt áp lực lên vai em. Bình thường em được điểm 10 thì không ai nói gì nhưng chỉ cần một lần 8 điểm rưỡi là bố em lập tức quát mắng, bảo em lười biếng, không chịu học hành, mẹ thì gọi điện về bảo rằng rất thất vọng về em.

Thực ra tuổi trẻ của em thường ham chơi, thích tụ tập bạn bè, tính em lại quảng giao và tham gia nhiều phong trào. Nhưng cứ hễ đi học về muộn 1 chút là bố lại gọi điện tìm khắp nơi. Đi học thêm buổi nào, ở đâu, mấy giờ?... bố em cũng nắm chắc và không bao giờ cho em đi đâu ngoài việc đi học. Vừa mấy hôm trước bố em mắng em 1 trận bơi bời vì thấy em đi cùng với 1 người bạn gái. Bạn đó cũng là cán bộ lớp như em. Ban cán sự lớp chúng em ở lại để bàn về việc tổ chức 20/11, chúc mừng các thầy cô. Em và bạn gái ấy cùng đường nên về cùng. Nào ngờ, bố em nhìn thấy và rất bực mình. Bố nổi giận với em giữa đường và em bắt phải về nhà ngay để nói chuyện. Rồi bố hỏi quan hệ giữa em và bạn kia như thế nào? Có yêu đương gì không? Rồi bố bảo cấm có được yêu đương vớ vẩn, giờ chưa đủ tuổi, chưa phải lúc, phải chú tâm vào học tập, sắp sửa thi đại học rồi… Nói chung bố em mắng và nói em rất nhiều.

Em cảm thấy bố mẹ chẳng suy nghĩ gì cho em cả. Dù là bố muốn em đỗ đạt cũng là muốn tốt cho em nhưng việc bố làm em mất mặt trước bạn cùng lớp khiến em rất buồn và càng thấy bị áp lực ghê gớm. Nhất là bố cũng gọi điện nói với mẹ em chuyện này. Mẹ cũng chẳng nghĩ gì đến suy nghĩ, tình cảm của em, cũng nói y như bố, khi nào học hành xong mới được yêu đương. Và từ hôm đó đến giờ bố còn quản lý em chặt chẽ hơn. Thế nên em chán nản vô cùng.

Càng ngày em càng thấy chán, thấy áp lực nặng nề và vì thế càng không có hứng thú gì để học tập. Bố em thấy thế lại càng nghĩ là vì em yêu đương linh tinh, ảnh hưởng đến việc học và càng ra sức cấm đoán em. Dù em đã giải thích với bố là chúng em chỉ là bạn cùng lớp nhưng bố vẫn không tin. Bố còn doạ là sẽ gặp bố mẹ bạn gái kia để nói chuyện, cấm không được yêu đương gì lúc này. Em sợ bố sẽ làm thế thật. Nếu chuyện lộ ra, em làm sao dám ngẩng mặt nhìn các bạn cùng lớp. Em cũng không muốn bạn gái kia bị oan vì mình. Thế nên bố nói gì, em cũng nghe theo lời bố, không dám cãi lại dù là nửa lời. Sang năm em sẽ thi đại học rồi, em biết lúc này cần tập trung vào việc học, nhưng em không thể gạt đi được sự chán chường, áp lực nặng nề và tìm lại được sự hứng thú trong học tập. Em sợ là nếu cứ đà này khéo em thi trượt mất…

Quý vị và các bạn có thể góp ý cho nhân vật bằng cách để lại bình luận dưới câu chuyện hoặc gọi đến số điện thoại (024)3.934.1139 trong giờ hành chính.