Đêm thứ tư (11/11), chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" đã phát sóng câu chuyện của cô gái đang sống ở nước ngoài có bố nát rượu, nhiều lần đánh vợ "thừa sống thiếu chết". Cô đã khuyên mẹ từ bỏ bố nhưng trong lòng rất đau khổ. Ngay sau khi phát sóng câu chuyện, rất nhiều thính giả và biên tập viên chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" VOV2 đã chia sẻ cùng nhân vật:

Tôi hiểu rằng bạn đã rất khổ tâm vì có ông bố suốt ngày làm bạn với ma men. Mẹ bạn quả thực là người bất hạnh khi phải chịu hết trận đòn này tới trận đòn khác, thừa sống thiếu chết của chồng, dù bà chẳng làm gì nên tội, một lòng thương yêu chồng con. Bạn đã khuyên mẹ bỏ ông ra ở riêng để đem lại sự thanh thản cho cuộc sống, tôi cho rằng, hành động này của bạn là hoàn toàn chính xác. Chẳng người con nào muốn gia đình mình đôi đường đôi ngả, nhưng trong hoàn cảnh này, không có lựa chọn nào tốt hơn. Bạn đã nếm trải đủ những đắng cay cả về tâm hồn lẫn thể xác khi phải sống với người cha luôn dùng bạo lực để hành hạ người thân của mình. Vì mẹ bạn muốn con sống có đầy đủ cả bố lẫn mẹ nên đã cắn răng cam chịu chồng bạo hành mà không biết rằng, chính điều này đã gây ra những tổn thương về tinh thần cho cả 2 chị em bạn. Hành động “nổi loạn” của bạn khi còn là học sinh đã chứng minh cho những tổn thương đó. Nhưng tôi cũng rất nể phục bạn, sống trong hoàn cảnh như vậy nhưng bạn đã cố gắng vươn lên và đã thành công trong cuộc sống.

Qua những dòng tâm sự về bố của mình, tôi cũng có cảm nhận, bạn là người con có hiếu. Dù trong lòng luôn giận ông khi mang đến cho gia đình bao điều khổ đau, nhưng trong sâu thẳm, bạn vẫn luôn yêu thương bố nên bạn rất áy náy khi khuyên mẹ rời xa bố. Các cụ ta đã có câu "Công cha như núi Thái Sơn; Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra; Một lòng thờ mẹ kính cha; Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con". Dù bạn không quá yêu quý bố nhưng bạn vẫn phải làm trọn đạo làm con. Vì theo đạo lý của ông cha ta từ xưa tới nay, chữ “hiếu” rất được coi trọng. Chữ “hiếu” luôn tồn tại trong tâm thức của mỗi người, là nét đẹp trong tâm hồn. Dù cuộc sống có thay đổi, đối mặt với nhiều vấn đề thời hiện đại thì chữ hiếu vẫn không thay đổi. Đó chính là sự tôn trọng, trân quý người sinh thành dưỡng dục ra mình và luôn luôn suy nghĩ về trách nhiệm với đấng sinh thành. Thế nhưng “chữ Hiếu” cũng có dăm bảy đường, trong mỗi hoàn cảnh, chúng ta sẽ chọn cách nào để vẫn báo hiếu được cho bố mẹ và vẫn để gia đình vui vẻ, tâm mình thanh thản mà thôi. Tôi cho rằng, có thể bạn báo hiếu với bố mình bằng cách vẫn phụng dưỡng ông nhưng phải qua một người thứ ba, tức người họ hàng nào đó mà bạn tin tưởng để nhờ họ chăm sóc bố, có thể gửi tiền nhờ họ mua những nhu yếu phẩm hàng ngày phục vụ sinh hoạt cho bố ở mức đủ dùng, không cần trực tiếp gửi tiền về cho bố. Nhưng bạn cũng cần gọi điện nói chuyện và tâm sự với bố nhiều hơn để ông không cảm thấy cô quạnh mà tìm đến “ma men”. Có thể bằng “liệu pháp tâm lý”, mềm dẻo và kiên quyết, ông sẽ thay đổi tâm tính, bố mẹ bạn sẽ lại quay về với nhau, an hưởng tuổi già.

Chúc bạn và gia đình mọi điều tốt đẹp.