Điều 3, Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ đã định nghĩa như sau: Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái.

Theo ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID - 19 xảy ra và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đối với mọi mặt đời sống, xã hội của các quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam).

Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều chuỗi nông sản đã có lúc, có nơi gặp những khó khăn trong cung cấp vật tư đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm làm cho hiệu quả bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, với sự năng động các doanh nghiệp, HTX và nông dân Việt Nam; cùng với sự vào cuộc tích cực, chủ động, hiệu quả của Chính phủ và các Bộ, ngành trong phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ phát triển thị trường, … nên xuất khẩu nông sản nói chung và nông sản hữu cơ nói riêng của nước ta luôn duy trì tăng trưởng dương:

- Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019.

- Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020 (vượt kế hoạch). Trong đó, nông sản chính là 10,4 tỷ USD tăng 13,3%, thủy sản là 4,05 tỷ USD tăng 12,5%, lâm sản là 8,7 tỷ USD tăng 61,5%; các thị trường xuất khẩu tiếp tục được duy trì tốt là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, ….

Theo điều tra công bố năm 2020 của Tổ chức Nông nghiệp quốc tế IFOAM: cả nước ta có 97 doanh nghiệp cùng nhiều HTX, trang trại và nông dân sản xuất hữu cơ; có 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản hữu cơ với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm; Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, ...

Với các con số nêu trên cho thấy nông nghiệp nói chung và nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam nói riêng đang có vị trí quan trọng trên thị trường thế giới.

Có được những kết quả đó 1 phần là do những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ mà Nhà nước đã ban hành.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe toàn bộ phần tư vấn của ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ: