"Công bằng mà nói thì bố mẹ tôi đều có cái tôi cá nhân quá cao. Bố tôi thì cho rằng, ông không có lỗi gì ngoài mấy tin nhắn, ông không chấp nhận người vợ đã xúc phạm mình… Còn mẹ tôi thì hận bố tôi vì ông liên lạc với người yêu cũ, còn đánh vợ... Bây giờ tôi không biết phải làm thế nào trước tỉnh cảnh của gia đình mình? Làm sao để bố mẹ tôi bớt chút cái tôi cá nhân để bỏ qua cho nhau?" Đó là tâm sự của người con khi phải chứng kiến mâu thuẫn của bố mẹ và không biết làm gì để gia đình trở lại êm ấm như xưa. Các thính giả và biên tập viên chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi có những chia sẻ với nhân vật:
Tôi thực sự khâm phục bố mẹ bạn, đã chung lưng đấu cật suốt mấy chục năm trời, không nề hà, quản ngại bất kỳ khó khăn, vất vả nào để cố gắng nuôi con và vun đắp cho tổ ấm nhỏ bé của mình. Thế nhưng cũng như các thính giả đêm nay, khi biên tập câu chuyện này, tôi thực sự lấy làm tiếc cho gia đình bạn, bởi 2 nhân vật chính là bố mẹ bạn đang ngày ngày tự tay phá vỡ tổ ấm và đẩy tất cả mọi người đến tình cảnh bi đát hiện tại. Thế mới thấy, khi người ta xây thì bao giờ cũng khó, cũng vất vả và mất rất nhiều thời gian nhưng khi phá thì lại đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần 1 người không làm chủ được bản thân, hơi quá đà trong mối quan hệ khác giới; 1 người không làm chủ được cái tôi, không kiểm soát được cảm xúc, lời nói cũng như hành động của mình thì đã tự đẩy con thuyền hạnh phúc mà họ chèo lái bấy lâu nay lao vào vùng tâm bão, có thể sẽ bị đánh vỡ và chìm nghỉm bất cứ lúc nào.
Dĩ nhiên, xuất phát điểm của mâu thuẫn bấy lâu nay giữa bố mẹ bạn là vì “những phút giây ngoài vợ, ngoài chồng”. Người ta vẫn cho rằng đó là điều bình thường thôi nhưng nó là đốm lửa nhỏ. Và đốm lửa ấy đã bị cơn giận giữ, phẫn nộ cùng với thái độ không khéo léo, tế nhị của mẹ bạn thổi bùng lên thành ngọn lửa lớn. Rồi trong trận hoả hoạn ấy, hơn thua nhau vài câu nói, chấp nhặt và soi mói nhau từng hành vi, ánh mắt, từng tiếng thở dài…, chì chiết nhau cho “hả dạ”; bố mẹ bạn, kẻ đổ thêm dầu, người thêm củi vào lửa, thì làm sao có thể dập được đây? Thế nên, tôi đồng ý với ý kiến của các thính giả đêm nay rằng bố mẹ bạn đều đã có tuổi, có nhiều kinh nghiệm sống nhưng họ đang là những người trong cuộc, họ không có sự bình tĩnh, không đủ tỉnh táo và minh mẫn để có thể nhìn nhận, đánh giá vấn đề 1 cách đúng đắn nhất, khách quan nhất, cũng như giải quyết mâu thuẫn đó của 1 mình 1 cách hiệu quả nhất. Thế nên họ rất cần có chị em bạn, cần bạn bè và những người thân thiết giúp đỡ. Từ đó mỗi người mới có thể hiểu ra rằng mình đã phạm những sai lầm gì? Mâu thuẫn mà mình đang phải đối mặt đã đến mức độ nào? Cần phải giải quyết ra sao?
Dĩ nhiên, trong chuyện này, cả 2 đều có lỗi. Nếu còn thực sự yêu thương nhau, nếu còn muốn giữ gìn mái ấm của mình, cái gì đã qua thì hãy để cho nó qua. Đó là điều mà tôi muốn chia sẻ với mẹ bạn như rất nhiều thính giả đã góp ý. Chuyện có thể chỉ dừng lại giữa 2 vợ chồng nếu như mẹ bạn biết dùng “lạt mềm buộc chặt”. Tiếc rằng bà đã quên mất là cơm sôi thì cần phải nhỏ lửa. Thế nên bây giờ, dù chỉ là ý tốt, là 1 lời thủ thỉ, tỉ tê của bà thôi, cũng khiến ầm ĩ cả xóm làng, bất kể đêm hôm hay mờ sáng. Trước khi kết thúc phần chia sẻ đêm nay, tôi muốn nói với bố mẹ bạn về hình ảnh của sợi dây chun. Vì nó chính là hoàn cảnh của họ lúc này, khi mỗi người cầm 1 đầu sợi dây chun và đang ra sức kéo. Sợi dây chun chính là quan hệ của họ, là mâu thuẫn giữa 2 người. Khi mâu thuẫn càng bị đẩy lên cao, bất đồng không được giải quyết thấu đáo thì cũng có nghĩa là sợi dây chun càng bị kéo căng ra. Và cuối cùng, khi tất cả công sức vun đắp của 2 người bị đổ xuống sống xuống biển, cũng là khi sợi dây chun bị đứt. Khi nó bị đứt thì sao? Hiển nhiên là không còn được nguyên vẹn như xưa, nếu có nối lại thì cũng không còn được đẹp và được chắc như trước nữa. Và 1 điều rõ ràng nữa là khi chun đứt thì cả 2 đều sẽ bị bật vào tay và rất đau, nghĩa là cả 2 đều sẽ bị tổn thương rất lớn. Thế nên, hy vọng bố mẹ bạn có thể sớm hiểu ra vấn đề để kịp dừng lại, trước khi kéo quá mạnh để sợi dây chun của mình bị đứt… Chúng tôi mong sớm nhận được hồi âm vui của gia đình bạn!