Ông Dương Văn Chắp ở xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết, gia đình ông có một đường đi trong lòng đất thổ cư dài 16m rộng 1,7m, cho gia đình anh trai đi nhờ từ 1963. Năm 2017 ông Chắp không đồng ý cho gia đình anh trai tiếp tục sử dụng lối đi này. Tuy nhiên, UBND xã lại cho rằng, gia đình ông Chắp đang lấn chiếm lối đi là đất công. Hiện tại, trên sổ đỏ cấp cho gia đình ông Chắp năm 1993 không còn thể hiện phần đất lối đi này là phần đất thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Chắp.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng để xác định lối đi này có thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình ông Chắp hay không thì phải dựa vào việc đánh giá đầy đủ và toàn diện rất nhiều yếu tố như nguồn gốc đất, biến động trong quá trình sử dụng đất, hồ sơ địa chính, sổ mục kê qua các thời kỳ. Thực tế thì cũng có nhiều trường hợp lối đi chung có nguồn gốc là đất sử dụng hợp pháp của một hoặc nhiều gia đình tuy nhiên trong quá trình sử dụng, các hộ gia đình đã sử dụng thành lối đi chung của các hộ hay của cả cộng đồng và trong quá trình quản lý đất đai, đo vẽ bản đồ, cập nhật hồ sơ địa chính, cơ quan chức năng đã ghi nhận theo đúng hiện trạng này, tức là chuyển từ đất thuộc quyền sử dụng riêng thành lối đi chung của các hộ hay của cộng đồng.

Trong trường hợp ông Chắp và anh trai không thỏa thuận được về lối đi, ông Chắp có thể khiếu nại tới chủ tịch UBND cấp xã và chủ tịch UBND cấp huyện để được giải quyết. Nếu chủ tịch UBND cấp huyện không giải quyết hoặc có giải quyết nhưng ông Chắp không đồng ý với quyết định giải quyết này thì ông có thể khởi kiện vụ án hành chính tại TAND có thẩm quyền theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính.

Mời quý vị nghe tư vấn của luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Công ty Luật TGS tại đây: