"Cứ mỗi khi bố nhậu say về là mẹ con em, nhất là mẹ, lại phải hứng chịu những trận đòn vô cớ từ ông. Nhiều lần bố đánh đến nỗi mẹ em phải vào viện với những vết thương chằng chịt trên mình. Em thương mẹ vô cùng nhưng nếu em can ngăn thì thể nào bố cũng đánh mẹ nặng hơn, có lần còn đánh cả em vì cái “tội” dám cản bố đánh mẹ. Thế nên, là một đứa con gái chân yếu tay mềm, em chỉ có thể bất lực và khóc thương mẹ khi phải chứng kiến cảnh ba thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với mẹ. Mà nào mẹ em có tội tình gì đâu cơ chứ?" - Đó là tâm sự của nhân vật đêm 30/12/2020 khi thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố say xỉn rồi bạo hành vợ, con.

Ngay sau khi phát sóng câu chuyện, rất nhiều thính giả đã chia sẻ với nhân vật. Biên tập viên chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" của VOV2 cũng có đôi lời cùng nhân vật:

Những câu chuyện về bạo lực gia đình như câu chuyện của gia đình em chiếm số lượng lớn nhất trong số thư gửi về chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi. Điểm chung ở những câu chuyện ấy là những người phụ nữ - nạn nhân của hành vi bạo lực (như mẹ em) vẫn nhẫn nhịn và chịu đựng sự bạo hành, chịu đựng hôn nhân không hạnh phúc và chấp nhận sống 1 cuộc đời bất hạnh triền miên, thậm chí là hàng chục năm trời. Có lẽ đó cũng là tâm lý chung của phụ nữ khi họ cho rằng cuộc sống của mình là vì gia đình, vì chồng, vì con. Đó là tất cả những gì ý nghĩa nhất trong cuộc đời của họ. Vì vậy nhiều phụ nữ sẵn lòng cam chịu để giữ gìn được điều mà họ cho là vô cùng quan trọng ấy. Hoặc cũng có thể mẹ em còn bị nhiều điều ràng buộc. Có thể vì nhà cửa, vì cái gọi là danh dự, tiếng tăm hay chủ yếu là vì con. Mẹ em cũng như nhiều người phụ nữ khác sống triền miên trong bạo hành vì vẫn nghĩ rằng chẳng có gì tốt đẹp hơn nếu họ bị mang tiếng là ly hôn. Dù bị chồng chửi rủa, đánh đập và hành hạ không thương tiếc nhưng mẹ em vẫn nghĩ rằng, dù có thế nào thì đó cũng là chồng mình, là bố của các con mình và không muốn các con phải sống trong ngôi nhà có cha mẹ ly tán. Thế nhưng mẹ em chấp nhận sống cam chịu với nỗi bất hạnh của mình mà quên mất một điều rằng, con người sinh ra đều có quyền mưu cầu hạnh phúc. Một điều rất quan trọng nữa mà mẹ em đã quên khi chấp nhận sống trong cảnh bạo hành, đó là bà đã vô tình làm ảnh hưởng đến tâm hồn và thể xác của chị em em, của những đứa con mà bà thương yêu nhất. Nhìn cảnh cha suốt ngày say xỉn, nhìn người mẹ nay bị chửi bới, mai bị đánh, bị hành hạ không thương tiếc bởi người bố tệ bạc, vũ phu mà mẹ em vẫn có thể chấp nhận được và cho rằng đó là mái ấm gia đình mà chị em em cần hay sao?

Tôi đồng tình với đa số ý kiến của thính giả khi cho rằng không thể để bố em tiếp diễn những hành động thô lỗ đối vợ con như suốt hàng chục năm vừa qua nữa. Bây giờ em đã là người con trưởng thành trong gia đình nên em cần lên tiếng và hành động. Hãy nói chuyện thẳng thắn với cả hai người. Bố em phải từ bỏ thói hung hãn, hành hạ vợ con. Bố em phải từ bỏ rượu chè, bê tha, say xỉn, là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên tôi không dám chắc điều đó có thể thực hiện được hay không khi bố em đã trở nên nghiện rượu và mọi suy nghĩ, hành vi bị chi phối bởi ma men. Còn mẹ em, bà phải nhận ra tình cảnh mà mình và các con đang phải gánh chịu. Bà cần phải biết tìm hạnh phúc cho mình, cần phải đưa các con thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt, lo sợ. Thế nên tìm cách giải thoát mình là cách tốt nhất để mẹ con em có được cuộc sống bình yên. Nếu chưa thể dứt khoát, nếu vẫn còn nhiều điều ràng buộc và chi phối thì ít nhất là 1 khoảng thời gian ly thân sẽ buộc bố em phải suy nghĩ lại và cũng là dịp tốt để mẹ em bảo vệ và củng cố sức khoẻ của mình. Nếu cần, chị em em và mẹ vẫn có thể sống mà không có người đàn ông vũ phu, tàn nhẫn đó. Dĩ nhiên, dù có thế nào thì ông ấy vẫn là bố em. Chị em em vẫn phải có trách nhiệm phụng dưỡng, báo hiếu. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là mẹ con em phải chấp nhận ngày ngày hứng những trận đòn roi vô cớ và cam chịu cuộc sống bất hạnh cả cuộc đời này. Chúng tôi mong sớm nhận được hồi âm vui của em.