Tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV/2022 và tiếp diễn sang quý I/2023, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động nghỉ, giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý I năm nay là gần 294 nghìn người. Trong đó, tập trung ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử tại một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như: Đồng Nai, Bình Dương, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang…

Thông tin từ Liên đoàn lao động tỉnh Hải Dương, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 11 doanh nghiệp do thiếu đơn hàng phải cho công nhân lao động tạm nghỉ việc hoặc làm việc luân phiên.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, tình trạng lao động mất việc làm, giảm thu nhập là một thực trạng đáng lo ngại không chỉ ở Hải Dương mà còn ở nhiều tỉnh thành khác. Thực trạng này gây ảnh hưởng lớn không chỉ đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như bảo hiểm xã hội. Những tháng đầu năm 2023, số lượt rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục gia tăng.

Hơn nữa, trong số những người mất việc làm, giảm thu nhập phần đông trong độ tuổi thanh niên, là trụ cột gia đình. Tình trạng này kéo dài sẽ là gánh nặng lớn về mặt an sinh, dễ dẫn đến gia tăng tệ nạn xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, khả thi, tạo ra chuyển biến, thay đổi rõ rệt thì thị trường lao động sẽ chịu nhiều rủi ro, thách thức, người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Đề cập giải pháp cho vấn đề này, đại biểu Đặng Hồng Sỹ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ cần quán triệt triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phải có chương trình kích cầu nội địa hỗ trợ xúc tiến thương mại để tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, đẩy mạnh giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, sắp xếp tổ chức cơ cấu nâng cao chất lượng đầu vào của các cơ sở đào tạo, chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động.

Dự báo, tình hình lao động mất việc làm không có thu nhập có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới.

Đại biểu Hà Thị Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, dù chúng ta đã rất nỗ lực trong việc đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động như kết nối, giới thiệu việc làm, hay có nơi đã dành cho lao động nữ những quan tâm riêng như không chấm dứt hợp đồng đối với người đang mang thai, nghỉ thai sản, con dưới 12 tháng tuổi.... Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát để có đánh giá chính xác về số doanh nghiệp rời khỏi thị trường ở các loại hình doanh nghiệp nào, ở lĩnh vực nào là chủ yếu, từ đó có giải pháp hỗ trợ, giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Các giải pháp cần phù hợp, triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần ổn định việc làm cho người lao động./.