Trong một gia đình có 8 anh chị em, mỗi người 1 tính 1 nết thì việc xẩy ra mâu thuẫn là không thể tránh khỏi, nhất là trong việc chăm sóc bố mẹ rồi đến việc thờ cúng khi bố mẹ khuất núi. Nhưng mâu thuẫn đến mức anh chị phải đến nhà em út (hiện đang thờ cúng bố mẹ) để rút trộm chân hương thì cũng thật là hiếm. Việc này khiến người em rất phiền lòng và không biết phải cư xử ra sao với các anh chị của mình đây.

Biên tập viên chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi-VOV2 có đôi lời góp ý gửi đến nhân vật:

Mâu thuẫn giữa anh chị em ruột khi trưởng thành xẩy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể do cha mẹ quan tâm đến một người hơn so với những người còn lại, hoặc do có người không muốn san sẻ việc chăm sóc cha mẹ lúc ốm đau, hoặc có khi chỉ là lối sống và quan điểm khác nhau... Chuyện này thật sự không hay, vì ai trong chúng ta cũng đều hiểu rõ rằng: anh em trong gia đình cần đùm bọc, tương trợ lẫn nhau, mặc dù có thể suy nghĩ khác nhau, nhưng không nên tẩy chay nhau. Trong gia đình anh mâu thuẫn xẩy ra chính bởi việc chăm sóc cha mẹ.

Theo những gì anh kể trong thư: Mặc dù là con út trong gia đình, nhưng vợ chồng anh lại sinh sống cùng cha mẹ, chăm sóc ông bà hàng ngày. Thế nên việc anh khăng khăng đưa bố mẹ về nhà mình khi ốm đau quá nặng bệnh viện trả về, và khi các cụ khuất núi thì thờ cúng tại nhà anh cũng có phần có lý. Thế nhưng, xét về tôn ty trật tự trong gia đình: ông anh trưởng của anh có phần chạnh lòng vì việc làm này cũng không phải là sai. Các cụ ta xưa có câu: “Anh em kiến giả nhất phận”, nhưng cũng có câu: “Anh em như thể chân tay. Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần” để răn dạy cách sống, cách xử trí trong mối quan hệ anh em trong gia đình. Thế nên nếu cả 2 bên cùng nhún một chút, dẹp bỏ cái tôi cá nhân của mình đi một chút thì sự việc không đến mức con cái phải ăn trộm chân hương để về thờ cúng bố mẹ. Điều đáng buồn là không ai muốn thừa nhận mình sai trong việc làm này. Nhưng theo suy nghĩ của tôi thì trong cuộc sống chúng ta không nên chỉ nhìn theo góc độ cá nhân, mà hãy quan sát từ bức tranh tổng thể. Các anh chị của anh đều đã ngoài 70 ở vào độ tuổi xưa nay hiếm. Điều gì xẩy ra nếu những người anh chị mà anh đang mâu thuẫn đột ngột mất đi? Điều cuối cùng anh nhớ về họ có lẽ là sự thù hằn. Và rõ ràng, nếu như vậy, anh sẽ chẳng thể vui gì nếu một mối quan hệ kết thúc theo cách đó.

Theo tôi: việc cần làm lúc này là anh hãy tìm gặp anh chị em của mình để hòa giải trước khi mình không còn cơ hội. Mọi người cùng nói hết những suy nghĩ trong lòng mình ra. Nếu cuộc thương lượng không diễn ra êm đẹp, anh không thoải mái với những điều mà các anh chị của mình đưa ra, thì tốt hơn, hãy để một thành viên khác trong gia đình, họ tộc đóng vai trò hòa giải. Tất nhiên, vị trọng tài này không được thiên vị một bên mà phải hoàn toàn khách quan, nghe mọi ý kiến và tìm ra phương án hòa bình.

Không bắt buộc sau mối bất hòa, các anh chị em trong gia đình anh sẽ ngay lập tức quên hết mọi điều như chưa từng xảy ra chuyện gì, điều này có lẽ chỉ có trong phim ảnh. Tuy nhiên, hãy dành cho nhau một chút tin tưởng, hãy cùng nhau trò chuyện, cùng tham gia các hoạt động gia đình, để trở nên gắn bó với nhau hơn. Sự căng thẳng trong quan hệ anh chị em ruột đều có thể được giải quyết êm đềm, với điều kiện tất cả đều phải nỗ lực cho mục đích đó. Tình cảm anh chị em ruột thịt luôn có sẵn trong tâm tưởng mỗi người chúng ta và hãy để chính những tình cảm đó gắn kết mọi người lại với nhau./.

Mời các bạn nghe âm thanh câu chuyện dưới đây: