Dẫu hàng thập kỷ đã trôi qua nhưng trong ký ức của những người lính cựu như ông Vũ Tiến Viết ở thôn Kim Bàng, xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình sẽ chẳng khi nào quên những người đồng đội đã từng kề vai sát cánh, chiến đấu vì độc lập, tự do.

Năm 1969, ông Viết được cử đi huấn luyện tại Trường Báo vụ thông tin vô tuyến điện Miền Đông Nam Bộ, chính vì vậy ông đã quen biết với đồng chí Nguyễn Văn Trực, quê ở Hải Hưng (cũ). Ông Viết kể: “Khi vào miền Nam tôi thuộc biên chế ở Sư đoàn 7, sau đó, tôi chuyển về Bộ Tư Lệnh Thông tin Miền đông nam bộ. Anh Nguyễn Văn Trực và tôi học cùng một khóa Báo vụ (từ tháng 4 đến 10 năm 1970). Học xong hai anh em ra trường. Anh Trực bị sốt rét ác tính nên đã hi sinh. Tôi và một số anh em đồng đội đã chôn cất anh ở gần trường ( khu Cà Tum, tỉnh Tây Ninh). Thời gian lâu quá nên tôi cũng không nhờ anh Trực là người huyện nào, chỉ nhớ anh có dáng người cao, đầu hơi bẹt nên mọi người hay gọi là “Trực cá trê”.

Nỗi đau này chưa dứt, ông Viết lại tiếp tục chứng kiến sự hi sinh của những đồng đội khác, trong đó có liệt sĩ Đáp ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. “Anh Đáp ở phân khu 2, còn tôi ở phân khu 3. Sau trận càn thì ghép lại thành phân khu 23. Tôi với anh Đáp sống với nhau từ đấy. Cuối năm 1970 – 1971, tôi với anh Đáp và anh Bùi Trí Nho là cùng một đài điện báo phục vụ các chiến trường. Tháng 3 – 4/1971, khi trực chốt ở rừng tràm Bà Dụ, chúng tôi bị địch phục kích, một loạt pháo cắt chéo văng vào đầu anh Đáp. Lúc chiều khi quân địch rút thì tôi với anh Nho mới đưa anh Đáp ra ngoài nhưng anh Đáp bị thương nặng nên đã hi sinh. Chúng tôi mai táng anh ở rừng tràm Bà Dụ.” - ông Viết kể.

Bao năm qua, ông Vũ Tiến Viết vẫn luôn trăn trở không biết thân nhân các liệt sĩ đã tìm được hài cốt của các anh để đưa về quê hương hay chưa. Qua chương trình ông Viết mong muốn thân nhân của liệt sĩ Nguyễn Văn Trực, quê ở tỉnh Hải Hưng và liệt sĩ Vũ Văn Đáp quê ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc có thể liên hệ với ông qua số điện thoại: 0397.087.021 để biết thêm thông tin về nơi hi sinh cũng như nơi an táng ban đầu của các LS.

Đêm mùng 5/6/1969, đơn vị C46 – D5 – J16, đoàn 429 đặc công Miền đông Nam bộ đánh vào cứ điểm Téc – Ních, Sư đoàn Anh Cả Đỏ của Mỹ ở tỉnh Bình Long. Trong trận chiến này có nhiều đồng đội của ông Vũ Ngọc Tuyên ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định hy sinh. Trong số đó ông Tuyên không thể nào quên ba người đã gắn bó với ông lúc vào sinh ra tử. “Đồng chí Mấn quê ở Thái Bình nằm ngay cạnh tôi, đồng chí bị một viên đạn xuyên qua tai, máu chảy vào đùi tôi rồi hi sinh. Còn đồng chí Sửu quê ở Phú Thọ, lúc đó là Đại đội trưởng bị quả bom M49 sượt vào sườn, tôi chạy đến băng vết thương nhưng do mất nhiều máu nên đồng chí cũng hi sinh. Chúng tôi chôn hai đồng chí ấy ở chân đồi cứ điểm gần con suối nhưng không rõ địa danh. Ngày 29/3/1970, đồng chí Bùi Văn Tuế quê ở thôn Mỹ Dương, xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là Đại đội trưởng phụ trách cắm cờ chỉ huy Sở tại núi Cô Tô, tỉnh An Giang, sau khi quay ra thì đồng chí hi sinh. Tôi chỉ biết xác đồng chí bị địch rải ở sân bay. Cách đây hơn 10 năm thì tôi có đến quê đồng chí Tuế và gặp mẹ đồng chí, bà bị điếc nặng nên không nói chuyện được. Năm 2015, được biết cụ đã mất chỉ còn anh em thúc bá”. Ông Tuyên kể.

Để biết rõ hơn về trường hợp và nơi hi sinh của các liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ Mấn quê ở Quỳnh Côi, Thái Bình; liệt sĩ Sửu quê ở Phú Thọ và liệt sĩ Bùi Văn Tuế quê ở thôn Mỹ Dương, xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định có thể liên hệ với ông Vũ Ngọc Tuyên ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Số điện thoại: 0368.239.303.

Những câu chuyện, những hồi ức về các trận đánh, về nơi hi sinh của các liệt sĩ góp một phần quan trọng, giúp hành trình tìm kiếm phần mộ bớt gian nan hơn. Chúng tôi rất mong nhận được sự cộng tác nhiệt thành của các cựu chiến binh cũng như các thính giả. Mọi thư từ, ý kiến đóng góp, trao đổi xin gửi về địa chỉ chương trình "Thông tin về những người con hi sinh vì Tổ Quốc" 41 Phố Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc qua số điện thoại: 0243.8246.787./.

Mời nghe bài viết tại đây: