Trợ giúp xã hội là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa chính trị, xã hội, kinh tế quan trọng, đồng thời cũng là nền tảng thực hiện công bằng xã hội. Đây cũng có thể được coi là sự trợ giúp của Nhà nước cho những đối tượng xã hội có hoàn cảnh khó khăn không tự lo được cuộc sống, nhằm giúp họ ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng xã hội. Trong những năm qua, Đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc điều chỉnh và hoàn thiện chính sách này sao cho phù hợp nhất với điều kiện và sự phát triển chung của xã hội. Ngày 15/03 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20, quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Trưởng phòng Chính sách xã hội, Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội cho biết Nghị định 20 có một số điểm mới:

Thứ nhất: tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 270.000 đồng/ tháng lên 360.000 đồng/tháng ( áp dụng từ ngày 01/07/2021), tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng BTXH, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn TGXH cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.

Thứ hai: Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản 5 của Điều 5 đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng chính sách bảo trợ xã hội hệ số 1,0.

Thứ ba: Kể từ năm nay sẽ xóa bỏ hội đồng xét duyệt trợ giúp xã hội cấp xã. Đồng thời đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi làm thủ tục xin xét hưởng chế độ.

Mời quý vị nghe ông Nguyễn Trung Thành tư vấn, giải đáp các thắc mắc về chính sách trợ giúp xã hội tại đây: