Phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa trả lời thắc mắc của bà Vũ Thị Sim với nội dung như sau:

Chồng của bà là ông Phạm Văn Han nhập ngũ năm 1963, tham gia kháng chiến tại chiến trường B. Đến năm 1968 ông bị thương và năm 1970 ông về phục viên được hưởng chế độ thương binh. Năm 1974, ông được tuyển dụng vào công ty Sông Biển, cảng Lễ Môn, tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 1984 ông Han nghỉ hưởng chế độ mất sức lao động. Năm 1987, ông Phạm Văn Han mất, khi đó bà Vũ Thị Sim mới 40 tuổi. Hiện nay bà đã 75 tuổi nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ của chồng bà theo đúng quy định. Qua nghiên cứu nội dung đơn phản ánh, Phòng LĐTBXH có công văn trả lời, nội dung cụ thể như sau:

1. Về chế độ mất sức lao động của ông Phạm Văn Han: Căn cứ vào nghị định 236-HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng bộ trưởng về bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách về thương binh và xã hội và Thông tư 48-TBXH ngày 30/9/1985 của Bộ Thương binh và xã hội về hướng dẫn Nghị định số 236-HĐBT nêu tại Điều 22: “ ... thân nhân chủ yếu của người chết đã hết tuổi lao động hoặc chưa đến tuổi lao động hoặc mất sức lao động, được trợ cấp tiền tuất hàng tháng”. Như vậy tại thời điểm ông Han mất năm 1987 bà Vũ thị Sim mới 40 tuổi đang trong độ tuổi lao động không thuộc đối tượng được hưởng theo Nghị định. Chế độ này chỉ tính thời điểm ông Han chết, không tính đến thời điểm bà Sim đủ 55 tuổi. (không phải tuất chờ).

2. Đối với chế độ thương binh của ông Phạm Văn Han:

Tại biên bản xác định thương tật số 960 của Tỉnh đội tỉnh Thanh Hóa xác định ông Phạm Văn Han là thương binh suy giảm khả năng lao động do thương tật là 21% (loại 4/4).

Căn cứ Khoản 2, Điều 32 Nghị định số 31 của Chính phủ chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng: Thương binh suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 61% trở lên chết, thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng. Như vậy, căn cứ Nghị định số 31 của Chính phủ thì bà Vũ Thị Sim không được hưởng chế độ tiền tuất hàng tháng theo quy định.