Nhận biết nguy cơ cháy nổ tăng cao trong mùa hè, các hộ gia đình tại khu vực đô thị chủ động trang bị bình cứu hỏa để đề phòng hỏa hoạn. Nghe nội dung bài biết viết dưới đây:
Cả nước đang bước vào mùa hè nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng kéo theo nguy cơ cháy nổ ở mức cao. Nhằm phòng ngừa hỏa hoạn, đồng thời giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố, lực lượng chức năng của Hà Nội đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trang bị bình chữa cháy. Để bảo vệ tính mạng và tài sản, nhiều hộ gia đình cũng đã chủ động trang bị bình chữa cháy.

Tại phường Hồng Hà, ngay từ những đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè năm nay, lực lượng PCCC, thuộc Công an thành phố Hà Nội đã thực hiện các buổi tuyên truyền về nguy cơ hỏa hoạn và các biện pháp phòng ngừa. Hiểu rõ lợi ích của việc “phòng cháy hơn chữa cháy”, bà Đào Thị Thùy đã trao đổi với chồng và tự bỏ tiền mua hai bình cứu hỏa loại nhỏ.
Bà Thùy chia sẻ, sau mỗi vụ cháy, các thành viên trong gia đình, ai nấy đều lo lắng về nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, vì mải làm ăn nên dự định mua sắm các thiết bị phòng cháy đều bị khất lần. Chỉ đến khi bước vào mùa nắng nóng, nghe cán bộ PCCC phân tích về nguy cơ hỏa hoạn do nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tăng cao, bà mới gác lại công việc để đi mua hai bình bọt để trong nhà nhằm đề phòng khi sự cố xảy ra.
“Nghe cán bộ phổ biến về nguy cơ, tôi mới đi mua bình cứu hỏa và tìm hiểu về cách sử dụng”, bà Thùy chia sẻ.
Gia đình ông Nguyễn Đăng Lợi sinh sống trong một ngõ nhỏ tại phường Hồng Hà, thành phố Hà Nội. Sau khi đọc thông tin về những vụ cháy lớn khiến nhiều người chết, ông cũng đã chủ động mua hai bình chữa cháy cho căn nhà hai tầng.
Hàng tháng, ông Lợi còn kiểm tra tình trạng của thiết bị theo hướng dẫn của lực lượng chức năng về PCCC. “Hà Nội từng xảy ra nhiều vụ cháy làm chết người nên mình cũng sợ và phải mua bình chữa cháy để đề phòng khi sự cố xảy ra còn kịp thời xử lý”, ông Lợi chia sẻ.
Thượng tá Vũ Thế Tú, công an thành phố Hà Nội cho biết, không chỉ gia đình ông Lợi, bà Thùy mà đông đảo người dân nêu cao ý thức “phòng cháy hơn chữa cháy”, nhất là từ khi xảy ra những vụ cháy thương tâm tại phố Khương Hạ và phố Trung Kính. Nhiều gia đình chủ động trang bị bình chữa cháy. Đây là thiết bị cơ bản và cần thiết nhất khi xảy ra hỏa hoạn.
Tuy nhiên, hiện thị trường có nhiều loại bình chữa cháy, như bình bột, bình CO2, và bình nước. Tác dụng của mỗi loại có sự khác nhau đáng kể, như bình bột thích hợp cho các đám cháy nhỏ do chất lỏng và điện; bình CO2 dùng cho đám cháy thiết bị điện tử; hay bình nước dùng cho các đám cháy do gỗ, giấy...
Việc chọn loại bình phù hợp và đặt ở vị trí dễ tiếp cận là rất quan trọng. Bình chữa cháy cũng cần được kiểm tra định kỳ để đảm bảo hiệu quả sử dụng khi xảy ra cháy, nổ. Chính vì thế, cứ mỗi dịp cao điểm về nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, công an Hà Nội lại đẩy mạnh hoạt động truyền thông, hướng dẫn về PCCC đến từng hộ gia đình.
“Tuyên truyền để người dân đề phòng và biết cách sử dụng các thiết bị chữa tháy là rất quan trọng, vì họ là người có mặt đầu tiên khi đám cháy còn nhỏ, dễ dập tắt. Để xử lý đám cháy hiệu quả thì việc kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị chữa cháy là rất cần thiết”, Thượng tá Vũ Thế Tú cho biết.
Song hành với công tác tuyên truyền, thời gian qua, lực lượng chức năng của Hà Nội còn triển khai các đợt kiểm tra, rà soát việc đảm bảo an toàn PCCC tại các nhà trọ.
Đại úy Lê Việt Linh, phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an Hà Nội cho biết, các đợt kiểm tra đã phát hiện một số bất cập và khuyến cáo chủ các cơ sở khắc phục kịp thời.
“Điểm yếu nhất tại các nhà trọ là khu vực để xe lên tầng trên thường chưa được lắp cửa chống cháy, chống khói. Chúng tôi tuyên truyền để chủ nhà trọ nhận thức được mối nguy hiểm và khắc phục. Vấn đề nữa là lối thoát hiểm. Nhiều nhà trọ có làm lối thoát hiểm nhưng thật sự hiệu quả, chúng tôi cũng khuyến cáo để cải thiện, trở thành lối thoát an toàn cho người sống trong tòa nhà”, Đại úy Lê Việt Linh cho biết.
Một số cơ sở không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, đã được nhắc nhở nhưng không khắc phục theo quy định đã bị lực lượng chức năng gắn biển cảnh báo “Cơ sở không đủ điều kiện về an toàn PCCC”. Ông Nguyễn Huy Toàn, ở phường Cầu Giấy, cho rằng đây là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa những sự việc đáng tiếc như đã từng xảy ra.
Ông Toàn cho biết, gia đình ông cũng có nhà cho thuê. Phần vì đảm bảo sự an toàn cho chính gia đình mình, phần khác xuất phát từ hiểu biết về nguy cơ cháy nổ và trách nhiệm của chủ cơ sở cho thuê trọ, ông đã chủ động trang bị các thiết bị PCCC theo khuyến cáo của lực lượng chức năng. “Gia đình tôi cũng ở chung với người thuê trọ nên tôi đã sắm đủ các thiết bị PCCC và hỗ trợ thoát nạn. Mỗi tầng, tôi trang bị 2 bình bọt và mặt nạ để ngay ở cửa để khi sự cố xảy ra thì có ngay thiết bị để chữa cháy và thoát nạn”, ông Toàn cho biết.
Thực tế cho thấy nguy cơ hỏa hoạn luôn tiềm ẩn, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, chỉ với một một khoản chi rất nhỏ cùng ý thức chủ động phòng ngừa, như trang bị bình chữa cháy, mặt nạ chống độc, kiểm tra định kỳ, chúng ta có thể ngăn ngừa được những sự cố đáng tiếc và thiệt hại không đáng có./.