Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2025 vừa được ban hành có nhiều điểm mới, như: không xét tuyển sớm, các trường phải công khai quy tắc quy đổi điểm trúng tuyển. Phóng viên VOV 2 phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn về những điểm mới trong Quy chế này.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa tổ chức Hội nghị Tuyển sinh 2025 nhằm thống nhất với các cơ sở GDĐH những điểm mới trong công tác tuyển sinh với mục đích khách quan, minh bạch và công bằng. Vậy tại sao 1 số trường còn băn khoăn với quy định về quy đổi điểm từ các phương thức xét tuyển?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Quy chế không phải là “quy đổi điểm từ các phương thức xét tuyển” mà là “quy đổi tương đương điểm trúng tuyển”. Nếu điểm thi từ các phương thức đánh giá các năng lực khác nhau của thí sinh, tại sao cơ sở đào tạo lại lựa chọn các phương thức xét tuyển đó cho cùng một ngành học?! Nghĩa là các cơ sở đào tạo phải giải trình được tại sao lựa chọn nhiều phương thức xét tuyển cho cùng một ngành đào tạo. Do vậy, Quy chế quy định chỉ khi một ngành học sử dụng nhiều phương thức xét tuyển thì phải quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức đó, bảo đảm tuyển chọn được các thí sinh đáp ứng tốt nhất yêu cầu đầu vào của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng quy định này nhiều bất cập và hạn chế về mặt khoa học, thực tiễn, quan điểm của Thứ trưởng thế nào?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Việc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển được xây dựng bảo đảm đơn giản, dựa trên các phương pháp khoa học đã được kiểm chứng; đồng thời sử dụng dữ liệu thống kê về kết quả học tập tại trường đại học, kết quả các bài thi, kỳ thi (phương thức xét tuyển) của cùng một nhóm thí sinh/học sinh vào cùng 1 ngành học. Do vậy, hoàn toàn yên tâm về căn cứ khoa học và thực tiễn.
Phóng viên: Việc quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển có phải là quá khó, nhất là đối với các ngành đào tạo đặc thù?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Như trên đã nói, phương pháp quy đổi vừa bảo đảm sự đơn giản vừa bảo đảm căn cứ khoa học, dựa trên dữ liệu tổng hợp từ quá trình học tập và các bài thi/kỳ thi khác nhau của cùng 1 nhóm thí sinh vào cùng 1 ngành học. Do vậy, yếu tố đặc thù của ngành học đã được xét đến (và là yêu cầu bắt buộc khi xây dựng phương án quy đổi).
Bộ GD-ĐT cũng không yêu cầu các cơ sở đào tạo chỉ được sử dụng một phương thức xét tuyển; thậm chí Quy chế năm 2025 còn bỏ giới hạn số tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên, các tiêu chí chủ yếu dùng để đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học 1 ngành đào tạo cụ thể.
Phóng viên: Vai trò định hướng, hỗ trợ, giám sát của Bộ GD-ĐT thế nào để việc quy đổi điểm ở các cơ sở đào tạo đảm bảo tính chính xác cao, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo để sớm ban hành quy tắc khung quy đổi tương đương điểm trúng tuyển làm căn cứ để các cơ sở đào tạo xây dựng quy tắc quy đổi đối với từng ngành; sớm ban hành hướng dẫn sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025; khuyến khích các nhóm xét tuyển, các cơ sở đào tạo tổ chức kỳ thi riêng xây dựng quy tắc quy đổi chung và hướng tới phát triển phần mềm chung để xác định quy tắc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển.
Phóng viên: Về xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thì sao thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Quy chế năm 2025 chỉ yêu cầu thống nhất xét tuyển chung đợt 1 trong toàn hệ thống (không còn xét tuyển sớm); việc xét tuyển thẳng theo các quy định hiện hành vẫn tiến hành bình thường. Các thí sinh trong diện được xét tuyển thẳng vẫn được duy trì ưu tiên xét tuyển như các năm trước đây.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo vẫn tự chủ trong việc quyết định điểm cộng (điểm thưởng, điểm khuyến khích…) đối với đặc thù của từng ngành học. Quy chế chỉ đưa ra giới hạn tổng điểm cộng không vượt quá 10% để vừa bảo đảm quyền lợi của thí sinh có thành tích vượt trội, nhưng cũng vừa bảo đảm công bằng với tất cả các thí sinh với các điều kiện tiếp cận để có thành tích vượt trội khác nhau./.