Phát biểu tại buổi lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hoàng Minh Sơn khẳng định, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị có ý nghĩa quan trọng với hệ thống cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.

Trong thời gian qua, các trường đại học của Việt Nam không những là các tổ chức khoa học công nghệ, mà còn là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho chuyển đổi số quốc gia. Các trường đại học cũng là nơi ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong đổi mới quản trị nhà trường, đổi mới cách dạy và học.

Do vậy theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các trường đại học đóng vai trò trung tâm trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

"Sự hợp tác giữa 3 đại học là mô hình tiêu biểu cho việc gắn kết giữa Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp. 3 bên cùng phối hợp không chỉ để tạo ra đột phá trong khoa học công nghệ, mà còn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời đại số", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cũng cho biết, 3 đại học được lựa chọn không chỉ vì quy mô, mà còn vì có nền tảng nghiên cứu vững mạnh, có những nghiên cứu thành công, đã tổ chức các trung tâm nghiên cứu, công viên về khoa học công nghệ, các tổ hợp nghiên cứu chiến lược.

Bằng việc ký kết hợp tác triển khai Nghị quyết 57, 3 cơ sở đào tạo đại học hàng đầu sẽ chia sẻ nguồn lực, cùng chung nhau hợp tác trong việc đào tạo, triển khai chương trình đào tạo chung, nhiệm vụ chung, thu hút nhân tài, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nước...

"Đây là mô hình hạt nhân để kết nạp thêm các cơ sở giáo dục đại học khác để liên kết hợp tác và phát triển, triển khai thành công các nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết 57-NQ/TW", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Liên kết chặt chẽ "3 Nhà": Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp

Theo thỏa thuận hợp tác, 3 trường sẽ phối hợp chặt chẽ trong các lĩnh vực: Đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt bậc sau đại học, tổ chức chương trình đào tạo chung, học tập luân chuyển giữa 3 trường, cấp văn bằng đồng song phương; nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, công nghệ chiến lược như AI, bán dẫn, năng lượng mới...

Đồng thời xây dựng các phòng thí nghiệm liên ngành dùng chung, triển khai mô hình các viện nghiên cứu xuất sắc liên kết; phát triển hệ sinh thái số, đại học số liên thông, thư viện số, dữ liệu nghiên cứu chung; tổ chức hội thảo quốc tế, trao đổi học giả, phát triển tạp chí khoa học chuẩn quốc tế; kết nối doanh nghiệp, hợp tác đào tạo theo đơn đặt hàng, đồng phát triển sản phẩm và thương mại hóa.

PGS.TS Huỳnh Đăng Chính – Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục đại học cần dựa trên thế mạnh, đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực của mình để cùng nhau hợp tác và phát triển.

Đặc biệt, hợp tác này có sự đồng hành, kết nối chặt chẽ của mô hình 3 Nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp là yếu tố quan trọng và cộng hưởng để tạo ra sự thành công.

"Sự phối hợp chặt chẽ của ba bên không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực, mà còn đảm bảo rằng những thành tựu khoa học và công nghệ không nằm trên giấy mà thực sự đi vào đời sống, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước", PGS.TS Huỳnh Đăng Chính nói.

Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phạm Bảo Sơn cũng khẳng định, với sự quyết tâm của cả 3 đại học, sự ủng hộ của Bộ GD-ĐT và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp sẽ tạo ra những đột phá mới trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Tại lễ ký kết, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phạm Bảo Sơn đề xuất 3 đại học cùng nhau xây dựng và khai thác hạ tầng khoa học công nghệ; Chia sẻ và sử dụng chung cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu hiện có của mỗi trường; Xây dựng cơ chế để doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ...

Trước đó, ĐHQG Hà Nội đã thành lập Công viên công nghệ cao và đổi mới sáng tạo nhằm ươm tạo các nhà khoa học xuất sắc, các nhóm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế; ĐHQG TP. Hồ Chí Minh cho khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quy mô 700 tỷ đồng.

Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ xây dựng Tổ hợp trung tâm xuất sắc về công nghệ chiến lược gắn với thu hút, phát triển nhân tài và đào tạo sau đại học để phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế./.