Mời Quý vị nghe chương trình tại đây:
Năm 2018, Lê Thu Trang quê ở Hải Dương quyết định khăn gói về quê. Bố mẹ hết sức ủng hộ còn bạn bè thì ra sức ngăn cản. Động lực lớn nhất của Trang khi đó là nếu về quê mỗi tháng không phải lo mấy triệu tiền thuê nhà, tiền ăn cũng ít phải “cấu” từ đồng lương chưa đến 10 triệu đồng. Bởi ở quê ít nhiều có bố mẹ hỗ trợ, bản thân chỉ tập trung làm việc và tích lũy vốn liếng. Về quê sau 2 tuần nghỉ xả hơi, Trang nhanh chóng tìm được việc. "Mặc dù ở quê cuộc sống bớt áp lực hơn, thoải mái, nhẹ nhàng hơn nhưng cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp không nhiều. Ở đây chỉ làm việc tại các công ty nhỏ, dù mình có làm tốt cũng không có cơ hội lên vị trí mới hay tăng lương”, Trang chia sẻ.
Các hội nhóm trên mạng xã hội facebook mang tên “Vén khéo” hay “Bỏ phố về quê” thường chia thành 2 kiểu bỏ phố: Một là những người đã có tích lũy, có nguồn vốn dư dả nên họ muốn cuộc sống yên ả, đầu tư một mô hình kinh doanh nhỏ ở quê, vừa làm vừa chơi, tận hưởng cuộc sống thư giãn; Hai là những người đã quá mệt mỏi với cuộc sống thị thành, làm bao nhiêu năm vẫn phải đi ở trọ hoặc nai lưng trả nợ. Rồi làn sóng thất nghiệp, giảm việc làm từ sau đại dịch covid 19 đến này lại càng khiến cơ hội thành công trở nên khó khăn hơn.

Phan Huyền Anh đang làm nhân viên kinh doanh cho một công ty ở Hà Nội. Ngày đi làm, tối về phòng trọ 24m2 với giá gần 5 triệu mỗi tháng. Từ năm ngoái suy nghĩ về quê cứ thôi thúc trong Huyền Anh. Mức lương dao động từ 15 đến 18 triệu đồng mỗi tháng, được Huyền Anh chia ra là 6 hộp. Trong đó tiền nhà trọ và tiền ăn uống lúc nào cũng nhiều hơn tiền bảo hiểm và tiết kiệm. Huyền Anh cứ nửa muốn về quê ở Thái Nguyên theo tiếng gọi của bố mẹ, nửa lại sợ sự thích ứng mới. Điều khiến Huyền Anh băn khoăn nhất khi ở thành phố là công việc chỉ đáp ứng để duy trì cuộc sống của mình. Dù đi làm đã hơn 10 năm rồi nhưng phần tiết kiệm cũng như mục tiêu mua nhà, mua xe hơi cứ xa vời. Mặc dù ở quê mức lương thấp hơn, nhưng mọi chi phí tiết kiệm hơn.
Bất cứ một sự thay đổi nào cũng đều là áp lực, chỉ có điều cách lựa chọn giải phảp để thích ứng với thay đổi đó của mỗi người sẽ khác nhau. Theo PGS – TS Trần Thành Nam – Đại học Quốc gia Hà Nội, việc trở về quê để sinh sống lập nghiệp cũng có nhiều lợi thế. Thứ nhất là ở quê chi phí rẻ hơn nếu chẳng may thất bại cũng không mất nhiều; thứ hai đối thủ để cạnh tranh không quá lớn điều này sẽ giúp các bạn trẻ có thể làm những cái mới, những ý tưởng vốn được cho là cũ ở thành phố nhưng khi đưa về quê có thể được xem là mới và độc đáo; thứ ba nhiều người dù trình độ học vẫn không phải là xuất sắc nhưng khi biết phát huy bản sắc văn hóa của quê hương sẽ giúp các bạn có ý tưởng khởi nghiệp thành công.

Bên cạnh những lợi thế, các bạn trẻ cũng có thể phải đối mặt với một số thách thức khi lập nghiệp ở quê như: rào cản về văn hóa, trước đây các bạn đã quen với môi trường sôi động, làm việc gì cũng nhanh nhưng khi trở về quê nhiều người cảm thấy không thích nghi được với nhịp sống bình lặng và mâu thuẫn với chính mình; quan niệm về quê là “thất bại”; mức thu nhập bị giảm trong khi đã quen với cách chi tiêu ở thành phố, điều này khiến nhiều người cảm thấy áp lực. Khi tài chính eo hẹp, thâm hụt, thiếu thốn thì cuộc sống ở quê không còn lý tưởng nữa; thứ tư là ở các vùng nông thôn, cơ sở vật chất và dịch vụ kém phát triển hơn so với các thành phố lớn, do đó sẽ khó có thể tìm được nguồn khách hàng tiềm năng.
Mỗi cá nhân khi lập nghiệp đều phải xác định và trang bị cho mình một số kỹ năng cốt lõi. Ví dụ như đổi mới sáng tạo, có sự thích ứng linh hoạt, cập nhật được kỹ năng công nghệ để giúp mình luôn đứng vững và đi đầu trong lĩnh vực của mình. Bỏ phố về quê chưa bao giờ là lựa chọn đơn giản. Thế nhưng đây cũng là lựa chọn đầy thú vị, đem tới cho mỗi người những trải nghiệm mới, giúp chúng ta bước ra khỏi vùng an toàn để có thêm kinh nghiệm và trải nghiệm cho riêng mình. Vì thế, nếu đang có ý tưởng về quê lập nghiệp, hãy chuẩn bị thật tốt và sẵn sàng cả về tài chính và tâm lý để việc khởi nghiệp được dễ dàng và thuận lợi hơn./.