Nghe chương trình tại đây:

Băn khoăn giữa hai chốn

Ngày trẻ, chúng ta sẽ cân nhắc giữa 2 lựa chọn: lập nghiệp ở quê hay ra thành phố. Khi về già, cần một chốn dừng chân thì không ít người cũng đứng trước hai lựa chọn như thế.

Người già thường thích sự hoài niệm và hướng về nguồn cội. Bởi vậy rất nhiều người đã lựa chọn về quê để gần anh em họ hàng, lo hương hỏa, thờ cúng tổ tiên chứ nhất định không chịu lên thành phố ở cùng con cháu.

"Quê yên tĩnh, nhà cửa rỗng rãi, có sân vườn, hàng xóm. Ở thành phố nhà nào biết nhà nầy" - bà Trần Thị Hường ở Thanh Hóa, chăm con gái mới sinh trên Hà Nội chia sẻ.

Dường như từ khi nghỉ buôn bán ở chợ, bà Hường chỉ quanh quẩn hết chăm con gái cả sinh lần lượt 2 con, rồi đến năm nay con gái thứ hai sinh cho bà cô cháu gái. Bà đã quen với Hà Nội, đất chật người đông, ngõ nhỏ, nhà hẹp.

"Thành phố tiện hợn nhiều, ra ngõ là có đồ ăn, không phải đi chợ xa, bệnh viện và các dịch vụ phát triển" - bà Hường đúc kết sau mấy năm ở Hà Nội nhưng bà vẫn nhất quyết về quê, bởi "tôi sinh ra ở quê".

Quê là gì? Chỉ cần có một mảnh vườn nhỏ, trồng rau, nuôi gà và những người hàng xóm cứ ra ngõ thấy mặt nhau là chào. Cuối tuần thì con cháu về thăm sum vầy rôm rả. Gia đình có điều kiện kinh tế thì sẽ thuê thêm giúp việc để chăm sóc cha mẹ già.

Với những người năng động, thích ứng tốt với cuộc sống thị thành thì thật khó để "bỏ phố vê quê". Họ đã quen với tiếng còi xe ồn ã, khu chợ tạm và những tòa nhà cao ốc hiện đại. Ông Ngô Văn Minh ở Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội kể rằng ông về quê "chân ướt chân ráo" được vài ngày là muốn trở lại thành phố.

"Thành phố vui hơn, có nhiều hoạt động giải trí tinh thần, dịch vụ xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế phát triển " - ông nói về lựa chọn của mình.

Không ít người khi còn trẻ hăm hở với ý tưởng về già sẽ "ở ẩn" nơi quê. Và khi toại nguyện thì lại không đủ dũng cảm ở lâu. Họ sợ sự buồn tẻ, ít bạn bè bởi những người đồng trang lứa năm xưa giờ cũng đã xa quê.

Lựa chọn nào cũng có lý do cả. Ở quê bình yên nhưng cũng đặt ra nhiều lo nghĩ cho con cháu như: vấn đề an toàn khi chỉ có bố mẹ già ở nhà. Chị Nguyễn Thị Huyền Trang ở Hải Dương từng nhiều lần thuyết phục bố mẹ ở cùng hoặc ở gần con trên Hà Nội. "Ông bà quyết từ chối vì không quen cuộc sông quanh quẩn trong ngôi nhà bê tông" - chị lo lắng - "lần nào đón bố mẹ lên chơi may lắm là được một tuần ông bà sẽ đòi về bằng được".

Tiêu chí để lựa chọn

Dân số thế giới đang già đi nhanh chóng nhưng đa số các nước đều không kịp chuẩn bị để có những hỗ trợ cần thiết cho đối tượng đang ngày càng gia tăng này tại hầu hết các quốc gia. Đây là nhận định của tổ chức phi chính phủ HelpAge International được đưa ra trong nghiên cứu năm 2013 về vấn đề phúc lợi xã hội dành cho người già tại các quốc gia trên thế giới.

Các tiêu chí được đưa ra để chấm điểm các quốc gia bao gồm: thu nhập, sức khỏe, việc làm, và giáo dục.

Theo điều tra, trước năm 2030, ở đa số các nước phát triển, số lượng người già sẽ nhiều hơn số lượng trẻ em. Đây là một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ đối với nhiều quốc gia. Nếu không kịp thời chuẩn bị ngay từ bây giờ, trong tương lai, một bộ phận không nhỏ dân số ở các quốc gia sẽ không có được một cuộc sống đảm bảo.

Trong 4 tiêu chí mà Global Agewatch Index (đánh giá về chất lượng cuộc sống của người già) đưa ra, nhiều người có thể sẽ ngạc nhiên khi chất lượng cuộc sống của người già lại bao gồm cả tiêu chí về giáo dục và việc làm.

Ở nhiều nước phương Tây, tuổi già là lúc người ta bắt đầu quay trở lại trường học. Khi còn trẻ, nhiều người không có điều kiện theo học “đến đầu đến đũa” hoặc theo đuổi những lĩnh vực mà họ đam mê vì nhiều lý do khác nhau.

Ngoài ra, có nhiều người, dù đã ở ngoài độ tuổi lao động vẫn mong muốn được tiếp tục làm việc và hòa nhập với xã hội. Họ có thể xin vào làm việc tại các siêu thị để xếp dọn hàng hóa, phục vụ tại các khu vui chơi với vai trò soát vé hoặc tới trường mầm non để kể truyện cổ tích cho các em nhỏ...

Ở Việt Nam, già đồng nghĩa với nghỉ ngơi, trông cháu cho con cái đi làm. Ông Lê Long - người quay bộ phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy cho rằng: thích ở đâu thì ở đấy miễn là thoải mái. "Tôi về quê được một tuần lại bắt xe buýt lên thành phố đi cafe với bạn bè" - tuổi già nhiều thời gian cho phép ông làm những gì ông muốn.

Từ giã sự nghiệp cầm máy, ông Long về quê ở ngoại thành Hà Nội, xây căn nhà nhỏ trên khu đất 200m2. Hàng ngày ông đi bộ, chơi thể thao rèn luyện sức khỏe. "Cái sướng ở quê là ăn rau sạch, rau do họ hàng nhà tôi trồng" - ông hào hứng khoe. Sau 6 tháng lựa chọn "ở nửa quê, nửa phố" ông thấy sức khỏe đã tốt lên rất nhiều.

Việc chọn dưỡng già ở đâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điều kiện kinh tế, gia đình và tính cách của từng người. Các cụ nên cân nhắc, cùng trao đổi và thống nhất với con cháu trước khi đưa ra quyết định./.