Giáo sư Y tế công cộng Nguyễn Thu Anh – Giám đốc Viện Đại học Sydney Việt Nam đã có những đánh giá, nhìn nhận về bài học nhìn từ dịch sởi với Phóng viên VOV2:
PV: Thưa GS Nguyễn Thu Anh, trước hết, xin bà cho biết, vai trò của vaccine trong việc dự phòng các bệnh truyền nhiễm nói chung, trong đó có bệnh sởi?.
GS Nguyễn Thu Anh: Đối với mỗi cá nhân khi tiêm vaccine, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể giúp chúng ta chủ động phòng tránh những bệnh truyền nhiễm, hoặc nếu bị mắc thì cũng không bị nặng. Còn nếu chúng ta không tiêm vaccine thì có thể bị mắc bệnh, bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Mặc dù cơ thể cũng sinh ra kháng thể nhưng chúng ta phải trải qua giai đoạn bị bệnh, nếu bị bệnh nhẹ, có lẽ sẽ quên nhưng nhiều trường hợp bị bệnh nặng dẫn đến tử vong, thậm chí nếu không tử vong thì có thể chịu hậu quả kéo dài suốt cuộc đời khi bị nhiễm con vi khuẩn hoặc virus gây bệnh đó, vì vậy, vai trò của vaccine là vô cùng quan trọng để giúp chúng ta sống khỏe mạnh trong nhiều năm.
Trước khi sử dụng vaccine, bệnh đậu mùa đã gây tử vong cho khoảng 2 triệu người trên thế giới mỗi năm, tuy nhiên sau một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu bệnh đã được thanh toán vào năm 1979. Tiêm chủng cũng giúp 2/3 số nước trên thế giới loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh, bại liệt, ho gà…
Còn tại nước ta, thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã làm thay đổi cơ cấu bệnh tật ở trẻ em, cụ thể: Nước ta đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ Uốn ván sơ sinh vào năm 2005… Tỷ lệ mắc các bệnh có vaccine dự phòng trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều duy trì theo hướng giảm qua các năm.
PV: Với dịch sởi, thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine, đến nay về cơ bản các tỉnh, thành phố đã hoàn thành chiến dịch tiêm chủng, với 682.000 mũi vaccine được tiêm cho các trẻ trong độ tuổi từ 6-9 tháng tuổi; từ 1-5 tuổi và từ 6-10 tuổi. Là một chuyên gia truyền nhiễm, nhìn vào kết quả tiêm chủng được Bộ Y tế công bố, cá nhân bà thấy đã có thể tạm yên tâm với dịch sởi hay chưa?
GS Nguyễn Thu Anh: Trong thời gian ngắn, chỉ có vài tuần qua, Bộ Y tế, ngành y tế và các cán bộ y tế đã làm việc rất vất vả, nỗ lực rất lớn để có thể giúp cho trẻ em ở nhiều nơi, vùng sâu vùng xa hoặc thành phố chưa được tiêm vaccine sởi thì nay đã được tiêm vaccine để phòng sởi.
Thế nhưng nếu nói về nguy cơ và chúng ta có yên tâm với dịch sởi hay không, đây là câu hỏi rất khó để trả lời bởi vì chúng ta không biết rằng với 682.000 mũi vaccine được tiêm rất tốt rồi, nhưng còn trẻ nào chưa được tiêm, còn khu vực nào có khoảng trống miễn dịch, chúng ta lại không biết bởi vì hiện nay dữ liệu tiêm chủng chưa được cập nhật một cách nhanh chóng và kịp thời.
Tôi cũng được biết là có nhiều khu vực khi đi rà soát, xem trẻ có được tiêm hay không thì bố mẹ chưa tiêm cho con nhưng vẫn nói là tôi đã tiêm rồi hoặc không nhớ là con mình đã tiêm chủng hay chưa. Đấy là khoảng trống miễn dịch rất nguy hiểm.
Ngay trong ngày hôm nay thôi, khi trao đổi với một bà mẹ có con học cấp THCS ở Hà Nội, trong 30 học sinh thì chỉ có 10 cháu tiêm một mũi vaccine, tức là chiếm tỷ lệ 30% ở ngay trong thành phố này. Có khu vực, vùng, nhóm dân cư mà tỷ lệ tiêm bảo phủ vaccine rất thấp thì chúng ta không thể chủ quan được.

PV: Đối với công tác dự phòng và triển khai các biện pháp phòng chống dịch, năm 2025 được xác định là năm chu kỳ dịch sởi. Ngay từ năm 2024 Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo các nước về nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Có nghĩa là chúng ta cần phải có sự chủ động từ sớm trong phòng dịch. Tuy nhiên, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương vào ngày 15/3, Bộ Y tế nhận định nguyên nhân số ca mắc tăng cao là do tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi giảm mạnh và ngay sau đó là các biện pháp đẩy nhanh tốc độ tiêm vacccine để lấp khoảng trống miễn dịch. Vậy liệu trước đó chúng ta có thiếu chủ động trong việc triển khai các biện pháp dự phòng không, thưa bà?
GS Nguyễn Thu Anh: Thực ra trước đây, dịch sởi không có chu kỳ về mặt bệnh học mà chu kỳ là do tỷ lệ tiêm vaccine sởi hằng năm giảm dần và đến năm thứ 5 do nhiều trẻ không có đủ miễn dịch để phòng chống bệnh sởi thì dịch sẽ bùng lên. Ví dụ như đợt dịch diễn ra vào năm 2014, 5 năm sau là năm 2019, đến năm 2024-2025 thì nó lại diễn ra tiếp tục. Đặc biệt khi dịch diễn ra năm nay, trong bối cảnh chúng ta trải qua nhiều năm có đại dịch Covid-19, ở thời điểm mà nhiều bố mẹ không thể đưa con đi tiêm chủng đúng hạn, khoảng trống miễn dịch lại càng lớn hơn, báo hiệu nguy cơ bùng phát dịch sởi năm nay rất lớn.
Có 2 nguyên nhân chính khiến trẻ không tiêm vaccine: Thứ nhất, do chúng ta không có đủ vaccine để tiêm cho trẻ, thứ hai là các bố mẹ không sẵn sàng tiêm cho con, không nhớ con mình đã tiêm hay chưa nên không đưa con đi tiêm nữa. Sự thiếu chủ động này không chỉ trong ngành y mà còn trong cộng đồng dân cư, trong suy nghĩ của mỗi bố mẹ.
PV: Từ thực tế hiện nay, theo bà, liệu các bậc cha mẹ có quá chủ quan trước sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ?
GS Nguyễn Thu Anh: Tôi cũng là một người mẹ và cũng đã từng có con nhỏ, tôi hiểu tâm lý của các bà mẹ, khi có con thì rất yêu thương con và muốn giành những điều tốt nhất cho con của mình, có mẹ nghĩ rằng tiêm vaccine là điều tốt nhất, có mẹ nghĩ là không nên tiêm vaccine vì điều đó có hại cho con. Vì sao? Trong thế giới hôm nay, chúng ta có thể tiếp cận thông tin ở bất cứ đâu, thời điểm nào, thông tin ở trên mạng xã hội rất nhiều thì rất khó để những người mẹ, đặc biệt là người mẹ trẻ có thể cân nhắc và quyết định đâu là thông tin đúng và đâu là thông tin phù hợp nhất đối với con mình.
Ở đây quan điểm cá nhân của tôi là tôi vẫn rất trân trọng những người phụ nữ đấy, bởi vì họ rất lo lắng cho con nhưng tôi chỉ nghĩ rằng nếu các bạn tìm hiểu thêm, đọc thêm, đặt lên bàn cân giữa lợi ích và nguy cơ để bảo vệ con mình một cách đúng đắn nhất, đừng để đến khi con mình bị mắc bệnh sởi rồi hoặc nằm trong phòng cấp cứu rồi thì lúc đấy mới áy náy thì cũng không kịp bởi vì chúng ta biết rằng, sởi không giống như cúm cũng như những virus, vi khuẩn gây bệnh khác, mà khi mắc bệnh sởi, nguy cơ mắc bệnh nặng rất cao.
Thống kê cứ 10 trẻ mắc sởi thì có 1 trẻ bị viêm tai, mà chăm sóc trẻ nhỏ bị viêm tai thì vô cùng vất vả. Ngoài ra, trẻ còn có thể mắc bệnh khác như điếc, viêm màng não hoặc bị tổn thương mắt dẫn đến mù lòa, thậm chí có thể khiến cho hệ miễn dịch của trẻ suy giảm, yếu suốt cả cuộc đời. Những tác động đó là quá lớn đối với một đứa trẻ nên mình phải cân nhắc, suy nghĩ, đưa ra quyết định đúng đắn nhất để bảo vệ cho con của mình.
PV: Theo bà, từ vụ dịch sởi năm nay, chúng ta có thể rút ra những bài học nào đối với công tác phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, thưa bà?
GS Nguyễn Thu Anh: Bài học từ dịch Covid-19 cũng như từ dịch sởi lần này và tất cả những năm trước đều cho thấy rằng chỉ có vaccine mới giúp chúng ta có thể phòng tránh được bệnh nên bài học quan trọng nhất là ngành y tế, chính quyền địa phương ở các cấp chúng ta phải có được vaccine để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với vaccine nhất và đúng thời điểm nhất. Thứ hai là chúng ta cần có dữ liệu để biết là ở khu vực nào có khoảng trống vaccine để chúng ta có đủ vaccine kịp thời để phòng chống bệnh.
Theo tôi, sự phối hợp cơ quan ban ngành là vô cùng quan trọng, đăc biệt là cơ quan y tế và các đơn vị tài chính, kế hoạch cần phối hợp chặt chẽ để có thể đưa ra những hướng dẫn hoặc đưa ra những quy định giúp cho ngành y có thể mua được vaccine một cách dễ dàng bởi vì hiện nay chúng ta đã có thể sản xuất được vaccine, vaccine nằm trong kho nhưng không thể mang đến cho người dân được chỉ vì những quy định, pháp lý đã cản trở cho ngành y không mua được vaccine thì tôi hy vọng trong thời gian gần đây, một số thông tư, nghị định đã được thay đổi để giúp cho vaccine có thể đi được đến người dân.
Thứ hai với cơ quan y tế và truyền thông thì cần phối hợp hơn nữa và cần đi trước, vd như sởi chu kỳ 5 năm một lần thì năm thứ 3, thứ 4 đã phải tuyên truyền mạnh mẽ rồi để người dân có thể tiêm ngay lập tức, tiêm bù, cơ quan trường học cần rà soát xem trẻ nào chưa tiêm vaccine và rà soát liên tục chứ không chỉ đợi đến dịch mới rà soát để trường học, thầy cô giáo cho thể truyền thông cho bố mẹ và cho trẻ có thể tiêm vaccine được.
PV: Theo bà, các địa phương cần làm gì để có thể dự báo chính xác tình hình dịch để có sự chủ động hơn nữa?
GS Nguyễn Thu Anh: Có một việc mà chúng ta cần làm tốt hơn rất nhiều, đấy là chúng ta phải có cơ sở dữ liệu tốt, dữ liệu xem tỷ lệ bao phủ vaccine là bao nhiêu, dữ liệu này phải chính xác. Chúng ta có thể thông qua các cơ sở dữ liệu hiện nay đang có như là VNeID. Thứ hai là số liệu về tình hình dịch bệnh tại cộng đồng, số ca bệnh và cần tuyên truyền sớm cho ng dân chứ không chờ cho đến khi có hàng nghìn ca rồi chúng ta mới nói, ngay từ khi bệnh sởi có vài ca đã phải tuyên truyền để giúp người dân thấy đây là tình huống có nguy cơ, đồng thời, các cơ quan y tế cũng cần nâng cao năng lực về dự báo dịch bệnh hơn nữa.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Đại học Sydney Việt Nam./.