Bé NMA, 8 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa trải qua ca phẫu thuật nội soi thắt ống phúc tinh mạc. Anh NQD– bố bé cho biết, trước đó gia đình không thấy dấu hiệu nào của bệnh cho đến khi bé kêu đau ở vùng bụng mới biết con bị nghẹt ống phúc tinh mạc.
“Trước đó, không thấy bé có dấu hiệu gì, bẹn bình thường. Hôm đó, bé chỉ bảo đau ở vùng bụng, gia đình kiểm tra thì thấy khối bất thường phồng lên ở bụng của bé cho đến Bệnh viện cấp cứu kiểm tra luôn thì bác sĩ chỉ định phẫu thuật” – Anh NQD cho biết.
Trước đó khoảng một năm, bé trai thứ hai của vợ chồng anh NQDcũng bị thoát vị bẹn phải mổ cấp cứu. Cả hai đều được áp dụng phương pháp mổ nội soi thắt ống phúc tinh mạc. Chỉ sau một ngày, bé ăn uống, ngủ nghỉ tốt, vợ chồng anh NQD thở phào nhẹ nhõm.
Ths.BS Phạm Quang Khải – Khoa Phẫu thuật thận, tiết niệu và nam học, BV E giải thích về trường hợp của bé Chử Nhật Minh rất nguy hiểm, may mà gia đình đã cấp cứu cho bé kịp thời và bác sĩ phẫu thuật mổ nội soi ngay cho bé trong đêm.
“Trước khi vào viện 6 tiếng thì bé bị đau chói vùng bẹn, đó là dấu hiệu loạn ruột đã bị nghẹt rồi, dấu hiệu này rất nguy hiểm. Nơi này, toàn bộ ruột chui qua vùng lỗ bẹn nhưng không chui lại vào trong bụng, tức là nó bị thít nghẹt lại và làm cho vùng ruột và mạc nối không được tưới máu. Rất may là được bố mẹ đưa vào viện ngay và chúng tôi đã mổ cấp cứu nội soi ngay trong đêm”.
Theo Ths.BS Phạm Quang Khải, thoát vị bẹn là bệnh lý thường gặp ở trẻ trai. Đối với những trường hợp đã bị tắc nghẹt sẽ được chỉ định mổ nội soi thắt ống phúc tinh mạc. Phương pháp này được áp dụng ở BV E từ năm 2019, mỗi năm, Khoa Phẫu thuật thận, tiết niệu và nam học thực hiện thành công cho khoảng 100 bệnh nhi mắc căn bệnh này. Ưu điểm của kỹ thuật này là để lại sẹo rất mờ, thời gian hồi phục nhanh và không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của trẻ sau này.
"Đầu tiên chúng tôi gây mê, đặt troka 5mm ngay rốn của bạn, quan sát bụng qua camera xem có lồng ruột, ống niệu rốn, tổn thương khác không. Nếu không có tổn thương khác như lồng ruột,… thì sẽ dùng một lỗ qua rốn, kim xuyên qua thành bụng, khâu ở bẹn, gần như không có sẹo. Còn trường hợp có tổn thương khác kèm theo, có lồng ruột, đặt thêm 2 đường vào rất thẩm mỹ, sẹo chỉ 3mm, sau mổ 6-8h có thể ngồi dậy về được rồi” - Ths.BS Phạm Quang Khải cho biết.
Trường hợp của bé Chử Nhật Minh, qua camera quá trình nội soi, các bác sĩ đã phát hiện bé còn có dấu hiệu của ống phúc tinh mạc bên kia nên đã được thắt luôn, tránh cho một cuộc mổ về sau.
“Trong nội soi phát hiện luôn bạn ấy còn di tích của ống dẫn tràng tức là một dây chằng nối giữa rốn và ruột thì xử lý luôn bởi vì nếu sau này không xử lý thì sẽ có nguy cơ tắc ruột, ưu điểm của phẫu thuật nội soi là vậy. Thông thường mổ sau một ngày là về thôi nhưng bạn này thì do bị nghẹt nên chúng tôi giữ lại vài ngày ổn mới về” - Ths.BS Phạm Quang Khải phân tích.
Tại Bệnh viện E đã có trường hợp, các bác sĩ phải phẫu thuật cắt đoạn ruột dài do biến chứng của ống phúc tinh mạc. Do đó, nếu thấy các dấu hiệu bất thường như: trẻ quấy khóc, có khối phồng ở vùng bẹn, một bên bìu to hơn một cách bất thường thì đưa trẻ đi khám ngay và nếu được bác sĩ chẩn đoán thoát vị bẹn, trẻ nên được phẫu thuật sớm để ngăn ngừa biến chứng xảy ra.