Cựu chiến binh Đàm Duy Thiên vốn quê gốc Nghệ Tĩnh, nhưng lớn lên tại tỉnh Quảng Bình. Khi Mỹ điên cuồng đánh phá trên đất liền nước ta bằng cả máy bay, tàu chiến, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Thiên tham gia quân đội khi còn rất trẻ.

Chiến trường Quảng Bình những năm tháng đó là tọa độ lửa ác liệt nhất. Đàm Duy Thiên là chiến sĩ trẻ tuổi nhất của Trung đoàn 266, Sư đoàn 341.

Trận chiến Xuân Lộc là Chiến dịch tiến công tuyến phòng thủ Xuân Lộc - Long Khánh diễn ra vào tháng 4 năm 1975 giữa Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Xuân Lộc là “một mắt xích quan trọng quyết phải giữ”, là “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn nên địch tổ chức tuyến phòng thủ dày đặc kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh.

Có thể nói Xuân Lộc là trận chiến vô cùng quan trọng trước khi tiến tới sự kiện 30/4/1975. Góp phần trong chiến thắng vang dội ấy là sự mưu trí và gan dạ của chiến sĩ Đàm Duy Thiên. Dưới làn mưa bom bão đạn, ông Thiên đã âm thầm thực hiện một nhiệm vụ bí mật được Sư đoàn 341 - Sông Lam giao phó là vẽ bản đồ tác chiến tấn công vào Xuân Lộc, mở đường cho đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975. Từ khảo sát thực tế, ông Thiên đã vẽ cụ thể, chi tiết các vị trí, mục tiêu của địch bằng những nét chì trên giấy.

Nhờ tấm bản đồ thể hiện rõ đường đi và trận địa tấn công đã mang lại chiến thắng Xuân Lộc vang dội sau 12 ngày đêm chiến đấu. Chiến thắng Xuân Lộc đã mở nút thắt cuối cùng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Gần 50 năm trôi qua nhưng dấu ấn về trận đánh Xuân Lộc vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức ông Thiên. Nói về chiến công của chiến sĩ Đàm Duy Thiên, Đại tá Lê Tiến Hạt (nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 266, Sư đoàn 341) kể rằng: “Ngày đó vào chiến trường, Thiên nhỏ tuổi nhất đơn vị. Nặng chưa đến 40 kg, nhưng mắt nhanh, miệng cười sáng. Bản lĩnh của người quân nhân cách mạng hiện lên trên khuôn mặt cậu chiến sĩ nhỏ. Thiên vẽ đẹp, vẽ giỏi và chính xác cao trên từng tấm bản đồ phục vụ thiết thực cho nhiều trận đánh”.

Từng chứng kiến sự thảm khốc, những đau đớn, di chứng do chiến tranh để lại, cựu chiến binh Đàm Duy Thiên rất muốn được cứu giúp, chữa trị cho các đồng đội và nhân dân chịu ảnh hưởng từ các cuộc chiến. Chính vì thế, sau khi rời quân ngũ, ông Thiên tiếp tục con đường học tập dang dở, thi đỗ Học viện Quân y và có tấm bằng bác sĩ. Sau nhiều năm phấn đấu, ông trở thành Tiến sĩ Y khoa và từng là cán bộ của cơ quan Đảng.

“Chúng tôi trở về người còn người mất, tôi may mắn được lành lặn. Tôi chọn ngành y để có cơ hội chữa bệnh cho đồng đội và nhân dân mình. Tôi không bao giờ quên những ngày sinh tử ấy, những năm tháng chiến tranh và cả sự hy sinh của những đồng đội đã ngã xuống” - Cựu chiến binh Đàm Duy Thiên chia sẻ.

Đại tá Bùi Quang Minh, nguyên Trưởng phòng doanh trại, Bộ tư lệnh quân chủng thông tin liên lạc dành nhiều tình cảm cho người đồng đội Đàm Duy Thiên. Ông Minh chia sẻ: “Thiên ít tuổi hơn chúng tôi nhiều nhưng lại sống rất sâu sắc. Hàng năm, đến ngày gặp mặt, cậu ấy vẫn là cậu lính “thời bình” trẻ nhất và đầy tâm huyết nhưng cũng rất giản dị, cầu thị, ham học hỏi. Thiên đã vươn lên ở nhiều vị trí quan trọng trong công việc, có nhiều đóng góp cho ngành y và xã hội”.

Nhiều năm qua, đơn vị của ông Thiên là Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 vẫn gắn kết với nhau rất mật thiết. 30/4 hàng năm thường là dịp để họ hội ngộ để cùng kể lại cho nhau nghe thời khắc phá tan cánh cửa thép Xuân Lộc, giúp quân ta tiến thẳng vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng dư âm chiến tranh vẫn in đậm trong tâm khảm người lính cựu Đàm Duy Thiên. Quá khứ hào hùng và cả sự hy sinh anh dũng của đồng đội khiến ông tự hào và càng thêm trân trọng những năm tháng hòa bình hôm nay./.