Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, là chiến dịch quân sự có thời gian ngắn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Chỉ diễn ra trong vòng hơn 4 ngày (từ 26/4 đến 30/4/1975), song chiến dịch đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam, tạo nên bản hùng ca bất diệt, hoàn thành giấc mơ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến dịch Hồ Chí Minh ban đầu có tên là Chiến dịch giải phóng Sài Gòn- Gia Định. Tại căn cứ Lộc Ninh ngày 8/4/1975, Bộ chỉ huy chiến dịch đã họp và đề xuất đổi tên thành “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Và đến ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị Đảng Lao Động Việt Nam lúc đó đã gửi bức điện số 37/TK cho Bộ Chỉ huy chiến dịch với nội dung “ Đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Đại tá PGS.TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, việc đổi tên này mang một ý nghĩa đặc biệt: "Chiến dịch đổi tên thành chiến dịch Hồ Chí Minh trước hết là để tri ân tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người đau đáu với sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Hai nữa là với những người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam đều mang mong muốn trong chiến thắng cuối cùng này có hình bóng của Người. Có thể nói, việc đổi tên thành Chiến dịch Hồ Chí Minh như một hồi kèn xung trận, động viên khích lệ tinh thần đồng bào, chiến sĩ. Sự có mặt của Bác, dù Người không còn nữa, trong trận quyết chiến cuối cùng vừa là thể hiện tình cảm, vừa là liệu pháp tinh thần".

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, có một “mật lệnh” được truyền đi đó là “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút từng giây xốc tới chiến trường, quyết chiến và toàn thắng”. Mật lệnh được truyền đi vừa như một hồi kèn xung trận vừa như một lời động viên khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sĩ và tất cả nững người tham gia nơi chiến trường.

Với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”, đến ngày 29/4, cả năm cánh quân của ta đã khép chặt vòng vây đến nội đô Sài Gòn – Gia Định. Rạng sáng ngày 30/4/1975, năm cánh quân của ta đã đồng loạt mở cuộc tổng công kích vào nội đô, không quân, pháo binh của ta nã đạn xuống phi trường Tân Sơn Nhất...

Theo Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, nét đặc sắc nhất của nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Hồ Chí Minh chính là sự kết hợp tuyệt vời giữa tiến công và nổi dậy: "Có thể nói sự kết hợp giữa ba thứ quân là nét đặc sắc nhất trong chiến tranh nhân dân ở Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới cũng nói về chiến tranh nhân dân nhưng chưa ở đâu chiến tranh nhân dân lại phong phú như vậy. Bởi lẽ ở ta đội quân chủ lực chỉ tác chiến trên mặt trận chính diện, hỗ trợ cho lực lượng địa phương còn việc giữ đất, giữ làng là do lực lượng địa phương và nhân dân. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh nhiều vùng là do nhân dân và lực lượng địa phương giải phóng chứ không phải do quân chủ lực. Chiến dịch Hồ Chí Minh tôi xin nhấn mạnh rằng đó là cuộc tổng tiến công và nổi dậy, đó là nét đặc sắc nhất".

PGS.TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam. "Thắng lợi này có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân bao trùm: nhờ có đường lối đúng đắn, Đảng đã quy tụ sức mạnh đoàn kết của toàn dân, sức mạnh của 2 miền Nam - Bắc và sức mạnh đoàn kết quốc tế".

Đại đoàn kết toàn dân tộc được xem là một trong những bài học hàng đầu bởi đó vừa là mục tiêu, nhiệm vụ vừa là phương thức và là động lực chủ yếu làm nên chiến thắng của dân tộc Việt Nam.

Ông cũng cho rằng, ngày nay, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cần tiếp tục được duy trì, củng cố bảo đảm ngày càng bền chặt. Đoàn kết phải được thể hiện rõ trong Đảng, trong nhân dân và phải thấu suốt từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài. Cần phải làm cho mọi tổ chức đảng, mọi đảng viên luôn trở nên trong sạch thì mới có thể đảm đương được vai trò hạt nhân nòng cốt xây dựng tình đoàn kết trong Đảng và trong nhân dân, mới tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc hướng vào các nhiệm vụ chiến lược: "Bây giờ trong đổi mới hiện nay có nhiều điều phải làm nhưng 1 trong những điều quan trọng là phải phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Muốn đoàn kết phải có mục tiêu chung, đưa ra những vấn đề để quy tụ được mặt lợi ích cho mọi người để hiểu được Đảng đưa ra đường lối chính sách, đưa ra vấn đề cụ thể. Khi đó, mọi người sẽ đoàn kết, quy tụ dưới lá cờ của Đảng và chúng ta sẽ có sức mạnh vô biên bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng”.

Trong suốt chiến dịch Hồ Chí Minh, sự kết hợp giữa tiến công quân sự của bộ đội chủ lực với nổi dậy của quần chúng nhân dân được thực hiện hết sức chặt chẽ, hiệu quả, giúp cho chiến dịch giành thắng lợi trong thời gian nhanh nhất, triệt để nhất và giữ được Sài Gòn còn khá nguyên vẹn khi kết thúc chiến tranh. Thời gian đã lùi xa 47 năm, nhưng bài học về kết hợp giữa tiến công với nổi dậy, về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn mãi là bài học vô giá để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 ngày càng được khẳng định và nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn. Những bài học ấy sẽ còn có giá trị lâu dài đối với với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Mời nghe âm thanh tại đây: