Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, đã có hàng triệu thanh niên ngã xuống, sẵn sàng cống hiến tuổi xuân, tất thảy vì Tổ quốc. Rồi giữa mịt mùng khói súng, đạn bom, những mầm xanh của tình yêu đôi lứa đã nảy nở, những mối tình đẹp “nở hoa”, trở thành nguồn sức mạnh lớn lao, giúp họ vững niềm tin, hướng đến niềm vui trọn vẹn trong ngày toàn thắng. Chuyện tình son sắt, thủy chung và cái kết thật viên mãn của vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Xuân Hòe và bà Chu Thanh Xuân ở số nhà 600 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh là một điển hình. Họ đã từng là những người lính kiên cường, nén đau thương, khắc khoải chờ mong, góp sức mình cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Như duyên phận sắp đặt, 50 năm trôi qua, hình ảnh cô gái có đôi mắt to tròn, gương mặt thánh thiện, hồn nhiên và giọng nói truyền cảm đã làm ông xao xuyến ngay lần đầu gặp mặt. Đó là những ngày cùng tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Hòe (sinh năm 1948) và bà Chu Thanh Xuân (sinh năm 1951) đã quen nhau và nảy nở tình yêu. Bà Xuân là cán bộ Ban Dân y miền Nam, ông Hòe là bác sĩ Quân y thuộc Sư đoàn 5, Quân khu 7, làm nhiệm vụ cứu chữa bộ đội và trực tiếp cầm súng đánh nhiều trận lớn tiến công giải phóng Lộc Ninh (từ ngày 5/4 đến ngày 7/4/1972), trận đánh then chốt đầu tiên, góp phần quyết định thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ ở Đông Nam Bộ.

Ngày 30/4/1975 đơn vị của ông được giao đánh vào một số căn cứ của địch hướng Tây Nam Sài Gòn và có nhiệm vụ bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch tại Quốc lộ 4, không cho chúng rút chạy hoặc lùi dần về Sài Gòn. Đơn vị của bà Xuân theo sau đoàn của đại quân ta tiến vào Sài Gòn tiếp quản các cơ sở của địch. Trước ngày bước vào trận đánh lớn cuối cùng, hai ông bà cùng trao cho nhau những lời hẹn ước, ngày giải phóng nhất định sẽ mãi mãi bên nhau. “Tuy là cùng đi vào tiêu điểm Sài Gòn, nhưng 2 đứa ở 2 hướng khác nhau, tôi tham gia trong đội hình Quân đoàn 232, theo hướng Tây Nam Sài Gòn, nhiệm vụ của đơn vị là đánh vào Đức Hòa, Đức Huệ, giải phóng Long An, Thủ Thừa, Bến Lức, làm bàn đạp đánh chiếm Trạm ra đa Phú Lâm, Tổng nha cảnh sát Sài Gòn và kho xăng dầu Nhà Bè”, ông Hòe nhớ lại.

Có lẽ cũng như nhiều cặp tình nhân khác, trong suy nghĩ của hai ông bà, yêu nhau thời chiến để lại nhiều nỗi nhớ nhung, hy vọng, đó là khoảng thời gian đẹp và ý nghĩa nhất cuộc đời. “Lúc đầu gặp chỉ quen biết vậy thôi chứ cũng không nghĩ là mình sẽ gặp lại nhau lần nữa, chiến tranh mà… Hồi ở trên chiến khu, nói đến chuyện yêu và lập gia đình thì ít ai nghĩ tới. Trong giờ phút quyết định cho trận đánh lớn cuối cùng, trên đường hành quân, gặp anh em bộ đội trúng đạn thì mình cấp cứu luôn, hồi hộp và tâm trạng khó diễn tả lắm, ai cũng im lặng chờ đón giây phút được vào tiếp quản Sài Gòn, kết thúc chiến tranh”, bà Chu Thanh Xuân trải lòng.

Sau ngày nước nhà thống nhất, trải qua rất nhiều vất vả, khó khăn, hạnh phúc đã mỉm cười với họ, thông qua một người đồng đội, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Hòe đã gặp lại bà Chu Thanh Xuân. Năm 1976, ông bà chính thức nên duyên vợ chồng, sau đó ông tiếp tục lên đường tham gia thực hiện nhiệm vụ trên tuyến biên giới Tây Nam. Bà Chu Thanh Xuân vẫn một gánh hai vai, lo cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành, tiếp tục là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác. “Tôi có suy nghĩ rằng, những người cùng tham gia chiến đấu với nhau, có một điểm chung là sự đồng cảm, chia sẻ với nhau, thương nhau, đến với nhau và hiểu nhau hơn”, ông Hòe hãnh diện khi nói về người bạn đời của mình.

Nhiều năm trôi qua, vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Xuân Hòe, Chu Thanh Xuân luôn bên nhau chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Và hạnh phúc lớn nhất là hai người con của ông bà giờ đã thành đạt, “trái ngọt” của một mối tình thật đẹp được nhóm lên từ những ngày trong lửa đạn chiến tranh. “Tình yêu chúng tôi dành cho nhau chưa bao giờ vơi, đó là cách để dạy con cháu mình hãy luôn trân trọng, yêu thương nhau để cùng xây đắp, thực hiện những điều tốt đẹp, ý nghĩa trong cuộc sống”, bà Chu Thanh Xuân chia sẻ.

Nguồn:qdnd.vn