Sau Tết Nguyên đán năm 1988, các chiến sĩ Trung đoàn công binh 83 (Quân chủng Hải quân) nhận lệnh từ Sơn Trà (Đà Nẵng) vào Cam Ranh (Khánh Hòa) cùng với lực lượng bảo vệ đảo của Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) ra Trường Sa cắm mốc chủ quyền và xây dựng đảo chìm ở Trường Sa theo chiến dịch CQ-88.

2h00 sáng 12/3, nhận thấy nhiều diễn biến bất thường, Tư lệnh quân chủng điều thêm tàu HQ 605 cùng HQ 604 tăng cường xây dựng đảo Gạc Ma và Len Đao. Tàu 505 đang làm nhiệm vụ trực tại Trường Sa nhận lệnh chuyển đến Cô Lin.

6h30 ngày 14/3, tàu Trung Quốc thả xuồng máy chuyển từng tốp lính lên Gạc Ma. Chúng bao vây theo thế vòng cung men theo bãi san hô, những chỗ vòng vây gần nhất, hai bên cách nhau chỉ chừng một mét. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam đứng thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc. Sau một hồi giằng cờ và uy hiếp tinh thần, tên sĩ quan chỉ huy lính Trung Quốc bắn súng chỉ thiên phát lệnh rồi chĩa thẳng vào bụng trung úy Phương, bóp cò. Anh Phương ngã xuống, tay vẫn giữ chặt cán cờ tổ quốc. Một tên khác xông lên chĩa thẳng súng vào đầu trung úy Phương nhả đạn.

Cuộc chiến đấu với Trung Quốc để bảo vệ Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam (ngày 14/3/1988) là một trong những trang sử bi hùng của dân tộc. Trong trận chiến này, 64 chiến sĩ trên tàu HQ 604 đã hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông.

Ký ức về trận chiến Gạc Ma sẽ không bao giờ có thể mai mờ trong tâm trí của những người ở lại. Nhắc nhau sống sao cho xứng đáng và tiếp nối nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc là lý tưởng của các thể hệ ngày hôm nay. Khi truyền thống và tình yêu biển đảo được tiếp nối thì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc sẽ luôn được giữ vững.