Ông Trần Văn Toàn, cựu chiến binh Quân chủng Phòng không - Không quân vẫn không quên những ngày này 48 năm về trước. Mỹ đã huy động “pháo đài bay” B52 - loại máy bay ném bom chiến lược mạnh nhất rải thảm huỷ diệt xuống Hà Nội và các mục tiêu chiến lược trên miền Bắc nước ta liên tục trong 12 ngày đêm. Bộ đội Phòng không - Không quân bằng ý chí quyết chiến, quyết thắng đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ, mang lại chiến thắng lịch sử cho quân và dân ta. Bên cạnh niềm vui thắng lợi, ông Toàn không quên sự hy sinh của đồng đội trong ngày cuối cùng của chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.

Ông Toàn nhập ngũ đi bộ đội từ ngày 26/8/1970 vào quân chủng Phòng không - Không quân. Sau khi chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị, ông được lệnh quay trở ra bảo vệ Hà Nội trước đợt tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ. Trong quá trình tác chiến, nắm chắc âm mưu thủ đoạn của địch nên ông và đồng đội đã kịp thời đánh địch, bắn rơi tại chỗ máy bay B52, kiên quyết bảo vệ các khu vực trọng yếu. Thế nhưng điều mà ông luôn tiếc nuối là có những đồng đội đã hy sinh.

Ông Toàn nhớ mãi, khi ấy các đồng đội tên lửa đã chuyển hóa lực lượng, vận dụng cách đánh sáng tạo, linh hoạt, liên tục phá hỏng sự liên kết trong đội hình bay của địch, tách máy bay B52 ra để tiêu diệt. Cùng với việc tổ chức lực lượng đánh trả, ông và đồng đội thực hiện đánh tập trung, đánh hiệp đồng liên tiếp trên đường bay của chúng, làm rối loạn đội hình, tạo điều kiện thuận lợi để bắn trúng B52. Bên cạnh những đợt ném bom rải thảm bằng máy bay B52, không quân Mỹ còn sử dụng máy bay F111A bay rất thấp, liên tục đột nhập vùng trời Hà Nội để đánh phá. Một số đồng chí của ông Toàn đã anh dũng hy sinh dưới làn mưa bom ác liệt của kẻ thù. Ông Toàn nhớ nhất liệt sĩ Vũ Đình Văn, chàng trai thủ đô khi xuất ngũ đang là sinh viên Khoa văn, trường Đại học sư phạm Hà Nội.

Trong 12 ngày đêm chiến đấu gan dạ, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay trong đó có 34 máy bay B52 các loại, 16 chiếc rơi tại chỗ, giết và bắt sống nhiều giặc lái. Trực tiếp tham gia chiến đấu và chứng kiến chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, ông Toàn tự hào là người lính trong binh chủng Phòng không - Không quân đã hoàn thành tâm nguyện của Bác Hồ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.

Thắng lợi to lớn đạt được trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta là đòn chiến lược, có ý nghĩa quyết định buộc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris năm 1973, rút hết quân về nước, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Và chúng ta có quyền tự hào về sự kiên cường, bất khuất của những người lính sẵn sàng hy sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nước nhà.