Những ngày tháng Năm này, ngôi nhà Cựu chiến binh (CCB) Đào Thông, ở thôn Sa Động, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) nhộn nhịp hơn thường ngày. Bởi những người tìm đến “kho tư liệu quý” về những hình ảnh, sự kiện trong cuộc đời hoạt động Bác Hồ do CCB Đào Thông sưu tầm để nghiên cứu, tìm hiểu. Không chỉ đến nghiên cứu, tìm hiểu mà nhiều người còn mang theo những tư liệu, hiện vật về Bác Hồ tặng ông để bổ sung vào bộ sưu tập của mình.

Hòa vào nhóm bạn trẻ từ thành phố Đồng Hới vào tham quan bộ sưu tập về Bác Hồ của CCB Đào Thông, tôi cảm nhận rõ hơn sự kính trọng của ông đối với Bác Hồ, đối với quê hương đất nước. Trong căn nhà của mình, ở vị trí trang trọng nhất ông treo tấm hình lớn của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp và có một khu vực để làm nơi trưng bày, cất giữ hơn 5.000 tư liệu, bài viết, hình ảnh về Bác Hồ và hơn 2.000 hình ảnh, bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trên tầng 2 của ngôi nhà, ông dành một phòng lập bàn thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong câu chuyện với người CCB già, tôi được biết, vốn sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em ở xã Bảo Ninh, lên 8 tuổi, bố mẹ qua đời, ông Thông được người anh cả trong gia đình nuôi nấng và cho ăn học. Năm 17 tuổi, ông đỗ vào Trường trung cấp Y của tỉnh Quảng Bình. Học ở Trường Trung cấp Y 1 năm, ông được nhà trường cử sang Lào để tham gia giúp đỡ nước Bạn dập bệnh dịch.

Ông Thông nhớ lại: “Đó là vào năm 1969, khi đang ở Lào thì nghe tin Bác Hồ mất, tôi đã khóc rất nhiều. Sau đó, tôi được một người bạn tặng một cuốn sách viết về Bác Hồ. Tôi mừng lắm và xem đó như là báu vật và đọc đến thuộc lòng. Cuốn sách đã nuôi dưỡng niềm đam mê sưu tầm tư liệu về Bác Hồ của tôi”.

Sau ngày từ Lào trở về, đến tháng 8-1971, ông Thông lên đường nhập ngũ và chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Đất nước thống nhất, trở về quê hương, ông được phân công làm công tác tổ chức ở Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. Với công việc của mình, ông có dịp đi nhiều nơi, có nhiều điều kiện để sưu tầm những tư liệu, hình ảnh, kỷ vật về Bác Hồ. Bộ sưu tập về Bác Hồ của ông cứ thế mà đầy thêm theo năm tháng. Hễ có bài báo nào viết về Bác Hồ là ông cất giữ cẩn thận. Nhiều khi xem trên báo đài, tivi thấy có nhiều tư liệu mà mình chưa có, ông lại đi liên hệ để xin photo lại. Bạn bè của ông và những người thường đến đây tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ biết được niềm đam mê này nên có gì hay cũng sưu tầm hộ rồi đem đến tặng ông.

Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giáo viên Trường Trung học cơ sở Số 2 Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới cho biết: “Từ ngày biết bác Thông sưu tầm tư liệu về Bác Hồ nên khi minh họa cho bài giảng lịch sử, tôi thường dẫn học sinh ra đây để các em tận mắt chứng kiến hình ảnh của Bác Hồ trong từng giai đoạn lịch sử. Bộ sưu tập của bác Thông rất sinh động và cụ thể. Đây thực sự là nguồn tư liệu quý mà bản thân những giáo viên như chúng tôi và các em học sinh rất cần”.

Được biết, ngoài bộ sưu tập kỳ công của mình về Bác Hồ, ông Thông còn sưu tầm ảnh và tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đến nay, số tư liệu về Đại tướng cũng gần 2.000 hình ảnh, bài viết.

Chia tay, người CCB một đời nặng lòng với những hình ảnh, tư liệu Bác Hồ, tôi ra về mà cứ nhớ mãi câu nói của ông: “Còn sống ngày nào, tôi tiếp tục sưu tầm, lưu giữ những hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi chỉ mong con cháu tôi và thế hệ sau hiểu rõ về Bác Hồ, về Đại tướng để ngày càng cảm thấy yêu hơn đất nước và dân tộc này”.
(Theo qdnd.vn)