Ngày ấy, dòng suối Đắk Ngo hoang sơ, cỏ cây rậm rạp; muỗi, vắt bò kín người. Mùa mưa, nước suối cuồn cuộn hung dữ như con thú khát mồi, lũ cuốn phăng những gì chứa trong lòng nó. Những ngày đầu, Đại úy Nguyễn Đình Tụ cùng tập thể ban mở đường khảo sát thực địa, trăn trở làm sao bạt những quả đồi trọc, có đất làm doanh trại, cấp cho dân làm nhà, trồng cây? ...Với bàn tay và lòng nhiệt huyết của người lính, sau một mùa mưa Tây Nguyên, lán trại đơn vị được dựng lên, khu dự án kinh tế-quốc phòng dần hiện ra và từng ngày đổi thay trên miền đất khó.

Tháng 3 năm 2002, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Binh đoàn 16 giao tiếp nhận, tổ chức tái định cư 312 hộ đồng bào Mông từ phía Bắc di cư tự do vào Đắk Lắk, Đắk Nông. Số đồng bào này trình độ văn hóa thấp, chịu ảnh hưởng nhiều hủ tục, thói quen lạc hậu; nhiều thế hệ chung sống, phụ nữ ít biết tiếng phổ thông…Nhiều đêm thức trắng, anh suy nghĩ phải làm gì để dân ổn định cuộc sống. Hằng ngày, cùng cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên đến từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn, cùng làm nhà ở, công trình vệ sinh; phát hoang trồng tỉa; định hướng xây dựng vườn cây công nghiệp; làm vườn ươm cây giống. Hằng tuần cùng bệnh xá tuyên truyền phòng bệnh, khám bệnh, phát thuốc…

Ngày nối ngày, từng ngôi nhà mọc lên; vạt đất nghèo, bãi cỏ tranh dần thay thế bằng những vạt ngô, nương lúa. Anh kể, kỷ niệm khó quên nhất là ngày 28-1-2002 khi đang tập huấn tạo hình vườn cây cà phê, thì được Ma Seo Vảng (ở bản Sín Chải) mời vào nhà ăn cơm mừng lúa mới. Khi đó anh Vảng nói: “Nhà mình nay làm cơm mừng lúa mới, mình được 20 bao, đủ ăn cả năm rồi, bộ đội tốt cái bụng, mình mới được như thế. Nay mời Tụ ăn cơm, ăn nhiều vào nhé, cho no cái bụng còn dạy mình cách trồng để được nhiều lúa. Bữa cơm no nhất từ khi về đây và ngon nhất trong đời du canh, du cư của mình”. Làng Mông xưa, nay là 3 bản Giang Châu, Sín Chải, Si Át thuộc xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức với nhiều nhà xây kiên cố, nhiều tiện nghi đắt tiền, cuộc sống đã nhiều đổi thay. Dự án của đơn vị bảo đảm cho hơn 1.200 lao động có việc làm ổn định, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/lao động/tháng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của anh. Từ chưa biết, nay thành thợ khai thác cao su giỏi, anh Sùng A Của (bản Si Át) cho biết: “Về định cư tại Trung đoàn 720, được bộ đội Tụ dạy cách trồng cây, cách cạo mủ cao su, trồng cà phê, điều, hồ tiêu. Gia đình đã làm nhà xây, năm nào cũng đạt gia đình văn hóa; trong bản của mình có nhiều hộ đã mua ô tô rồi đấy”.

Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, anh cùng với đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Đơn vị đã trích quỹ và huy động sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên với số tiền hơn 1 tỉ đồng kịp thời tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các khu cách ly. Đơn vị còn hỗ trợ phương tiện cho địa phương trên địa bàn tỉnh vận chuyển bệnh nhân; chỉ đạo quân y làm tốt công tác khử khuẩn, mở các chốt kiểm soát dịch bệnh tại các tuyến đường vào khu dự án; liên hệ và bảo đảm kịp thời tiêm vắc xin cho người dân trong vùng dự án, bảo đảm giữ vững “vùng xanh” trên địa bàn đóng quân…

22 năm cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với đồng bào các dân tộc nơi đây, anh đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Bộ Quốc phòng, tỉnh Đắk Nông và Binh đoàn 16 trao tặng. Năm 2021, Đại tá Nguyễn Đình Tụ - người con sinh ra trên quê hương Đông La, Hoài Đức, Hà Nội - vinh dự được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân” lần thứ hai liên tiếp./.

(Theo qdnd.vn)